Chiều 10/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tham dự cuộc họp của lãnh đạo 11 nền kinh tế TPP khiến đàm phán bị hoãn. Thông tin trên là một cú sốc đối với 10 nền kinh tế còn lại. Dù vậy, hành động này lại tỏ ra nhất quán với những gì mà ông Trudeau tuyên bố trước đó: "Canada sẽ không vội ký thoả thuận TPP nếu không có lợi cho Canada".
Với hành động đó, cái kết xấu nhất cho TPP tại APEC 2017 gần như chắc chắn. Thế nhưng, nửa đêm 10/11, Bộ trưởng Thương mại Canada Philippe – François-P Champagne lại thông báo đã thoả thuận được "phần cốt lõi" cho TPP-11, đem đến hi vọng mới.
11h sáng nay, TPP – 11 đã đạt được những đồng thuận nhất định, với một cái tên mới. Trên cơ sở 4 vòng đàm phán, các Bộ trưởng ở Đà Nẵng đã thống nhất về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng cho một số nền kinh tế thành viên tạm hoãn các nghĩa vụ. Cụ thể là 20 điều khoản được tạm hoãn thực thi. CPTPP là toàn diện, cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính tới lợi ích của các nước. Các Bộ trưởng đã giao cho các Trưởng đoàn đàm phán giải quyết những vướng mắc chưa đạt được.
TPP có tên gọi mới và một điều khoản mới – điều số 12 nêu danh sách những điều khoản tạm hoãn, chưa được áp dụng có thể xem là bởi những động thái của Canada chiều qua, theo nhận định của ông Nguyễn Đình Lương. Tuy nhiên, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ nói: "Đây có thể xem là cái kết đẹp tại kỳ APEC này, sau nhiều nỗ lực đàm phán, nhất là khi Canada từng thể hiện thái độ "ngược’".
"Canada ở thế lưỡng nan, họ không thể chống lại dòng chảy của thương mại tự do, toàn cầu hoá nhưng cũng không thể làm mất lòng người Mỹ", ông Nguyễn Đình Lương nhận xét.
Theo ông, nền kinh tế của Canada phụ thuộc rất sâu sắc vào kinh tế của Mỹ nên đất nước này phải gắn chặt, bám chặt với nền kinh tế số 1 thế giới. Bên cạnh đó, Canada ngoài TPP cũng đang đồng thời phải nỗ lực tái đàm phán Hiệp định thương mại Tự do (NAFTA) với Mỹ, đang trong tình trạng xấu kể từ khi được thiết lập từ 16 năm trước.
Với những thay đổi có thể xảy ra với NAFTA, Thủ tướng Trudeau nói: "Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại bởi chúng tôi đều biết nền kinh tế Canada rất phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ".
Ông cũng chia sẻ thêm: "Hàng hoá và dịch vụ được giao dịch qua biên giới hai nước hàng ngày. Chúng ta phải cho phép dòng chảy tự do hàng hoá và dịch vụ này, đồng thời nhận thức được sự hội nhập của hai nền kinh tế".
Vài giờ trước buổi họp của 11 nền kinh tế tham gia TPP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu, nội dung chính thể hiện quan điểm ủng hộ quan hệ song phương và lên án quan hệ kinh tế đa phương gây nên sự bất bình đẳng, tạo thiệt hại đến người Mỹ.
Chính bởi vậy, thái độ và diễn biến hành động của ông Justin Trudeau là có thể hiểu được, theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Lương.
"Trudeau có làm giá với các nước không thì không chắc, nhưng rõ ràng ông ta không muốn làm mất lòng Mỹ. Ông ta rất hiểu ý chí người Mỹ cũng như ý tứ của Tổng thống Donald Trump", ông Lương bình luận.
Tại buổi họp báo trưa nay, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi có nói rằng các đoàn đàm phán thảo luận hết sức kỹ lưỡng để đi đến một mục tiêu chung phải có TPP–11 nhằm kêu gọi Mỹ trở lại.
Ông Nguyễn Đình Lương bình luận: "điều này là hoàn toàn có khả năng nếu TPP-11 hay giờ đây tồn tại dưới cái tên mới – CPTPP, chứng minh được lợi ích, tiềm năng của nó".
Bởi lẽ chủ trương thương mại hoá song phương của Tổng thống Donald Trump là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn của quốc gia này cũng có thể lên tiếng nếu họ nhìn thấy bản thân mình bị thiệt hại vì những chính sách hạn chế thương mại.
"Chúng ta không nên vứt bỏ ý tưởng Mỹ sẽ quay trở lại TPP", ông Lương nhấn mạnh.
Nhưng ông cũng bổ sung thêm, cho dù không có Mỹ, thậm chí là ngay cả khi Canada về sau vì một lý do nào đó mà rút lui, chỉ còn TPP-10 thì Việt Nam vẫn có lợi vì đó tiếp tục là một hiệp định đa phương với những yêu cầu thay đổi về thế chế. Như vậy, Việt Nam có thể khai thác nhiều thị trường khác nhau đồng thời có động lực để cải cách trong nước.
"Còn với những gì diễn ra của ngày hôm nay tại APEC, người Việt đã có thể tự hào vì đã ghi dấu vào một trong những hiệp định thương mại tự do lớn của toàn cầu", ông Nguyễn Đình Lương nhận định.