Theo ông Nguyễn Đình Lương, cuộc gặp tại Singapore hồi tháng 6/2018 đã đánh dấu một thắng lợi cho cả hai phía Mỹ - Triều. Đó là việc "đám cháy" bước đầu được khoanh vùng lại, khiến cho thế giới được giải toả nỗi sợ hãi mang tên vũ khí hạt nhân.
Cuộc đàm phán này có được từ nỗ lực của cả hai phía. Về phía Triều Tiên, ông Lương nhận định là phép tính khôn ngoan Chủ tịch Kim Jong Un buộc Tổng thống Mỹ phải ngồi vào bàn. Nhưng tính toán của ông Kim sẽ rất khó thành công nếu thiếu nhân tố Donald Trump. Khác với các "ông chủ" Nhà Trắng tiền nhiệm, ông Trump là một Tổng thống phi truyền thống, đầy bất ngờ và cực kỳ thực dụng.
Vị Tổng thống này cho rằng chỉ những nỗ lực ngoại giao mới giúp tránh khỏi xung đột và hạ nhiệt căng thẳng với quốc gia châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân. Do vậy, ông Trump đã quyết định "ngồi xuống" và nói chuyện với một nước được xem là "tiểu quốc".
"Nhưng cuộc gặp ở Singapore chỉ dừng lại ở mức bài học", ông Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh và nói rằng mọi chuyện chỉ mới dừng lại ở những tuyên bố chung, bản thân người Mỹ vẫn tự xem mình ở thế "cửa trên", trong khi người Triều Tiên muốn sự "ngang bằng, có qua có lại".
Theo đó, tại quốc đảo Sư Tử, người Mỹ tưởng rằng có thể làm từng bước với Triều Tiên: Giải giáp hạt nhân rồi mới gỡ bỏ cấm vận. Nhưng mọi chuyện đã không như mong đợi này.
Một cách ví von, ông Lương cho rằng vũ khí hạt nhân là "bảo bối" của ông Kim để đàm phán mà nếu bị tước mất nhanh chóng, người Triều Tiên sẽ chẳng còn gì. "Do vậy, ông ta sẽ không thể nào vội vàng được", ông Lương nói.
Điều này cũng ngầm khẳng định niềm tin giữa hai phía vẫn còn rất yếu. Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin từng nhận định: "Họ (người Triều Tiên) có thể ăn cỏ nhưng sẽ không chấp nhận dừng chương trình hạt nhân chừng nào họ còn cảm thấy không an toàn".
Phóng viên Thông tấn xã Đức (DPA) trong những ngày ở Hà Nội vừa qua nhận xét rằng số phận của đất nước hình chữ S đã thay đổi. Là quốc gia từng bị định đoạt tại những hội nghị hoà bình ở Paris hay Genève, đến nay, Việt Nam đã trở thành địa điểm đàm phán cho sự bình yên của khu vực và trên thế giới. Cuộc gặp sắp tới giữa ông Donald Trump và Kim Jong Un trong hai ngày 27 – 28/2 tại Hà Nội sẽ thực tế và chi tiết hơn so với lần gặp mặt tại Singapore, theo ông Nguyễn Đình Lương.
Một tuần trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Trump đã đề cập đến việc nới lỏng cấm vận Triều Tiên, vấn đề vốn được xem là gai góc trong đàm phán giữa hai nước.
Reuters dẫn nhận định của ông Trump rằng Tiều Tiên không chần chừ trong phi hạt nhân, "Tôi nghĩ họ cũng muốn làm gì đó", ông nói. Và "Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra. Lệnh trừng phạt vẫn còn. Tôi chưa hề dỡ bỏ. Tôi cũng muốn làm vậy, nhưng để làm được, bên kia cần làm điều gì ý nghĩa".
Giới quan sát cho rằng điều này hàm nghĩa Washington đang cân nhắc nới lỏng cấm vận với Bình Nhưỡng ngay cả trước khi nước này hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân. Trước nay, Chính quyền ông Trump luôn giữ quan điểm lệnh trừng phạt sẽ vẫn giữ nguyên đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hoá hoàn toàn.
Diễn biến này có nghĩa là Tổng thống Trump đã điều chỉnh chiến lược của mình, theo ông Nguyễn Đình Lương. Ông Trump đã tỏ ra mềm mỏng hơn với Bình Nhưỡng, tạo tiền đề tốt cho vòng đàm phán sắp tới tại Hà Nội.
Dù rất khó để đưa ra một dự đoán cho các quyết định được đưa ra lần này, nhưng ông Lương nhận định rằng các vấn đề sẽ phải có tầm quan trọng đủ mức buộc hai bên tiếp tục ngồi lại với nhau. Bên cạnh đó, Mỹ Triều cũng phải đi đến được một quyết định quan trọng để xây đắp lòng tin.
"Cuộc gặp của ông Trump và ông Kim có hai mục đích", ông Lương gõ tay xuống mặt bàn nói, "Là giải toả đe doạ về hạt nhân, như chúng ta đã biết, nhưng còn một thứ quan trọng hơn, là thiết kế một quan hệ hợp tác, làm ăn lâu dài. Nếu phá băng xong mà không có hợp tác thì cũng không đạt yêu cầu".
Quá trình này cũng chính là quá trình xây dựng lòng tin giữa hai nước. Là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ, ông Lương tỏ ra thấu cảm hơn ai câu chuyện này.
"5 năm trời đi đàm phán BTA, tôi xác định rõ đây không chỉ là bình thường hoá quan hệ, xa hơn là xây dựng được sự hợp tác làm ăn. Bằng mọi giá, tôi phải xây dựng lòng tin với người Mỹ", ông Lương nhớ lại.
Tờ Bloomberg cho biết Triều Tiên đã ngừng công bố số liệu thống kê chi tiết từ thập niên 1960. Trong 4 thập kỷ, báo cáo ngân sách quốc gia của nước này chỉ tiết lộ về con số về nguồn thu và chi tiêu.
Đầu những năm 2000, Bình Nhưỡng bỏ hẳn số liệu chính xác về từng khoản, chỉ còn giữ lại phần trăm thay đổi của mỗi lĩnh vực qua từng năm. Do vậy, về quy mô nền kinh tế Triều Tiên đến nay vẫn là một bí ẩn khi những số liệu đưa ra chỉ là ước tính, dựa vào cả ảnh chụp vệ tinh, ảnh nhiệt và cả hệ thống tình báo. Các con số được các bên ước tính cũng có chênh lệch đáng kể.
Về thu nhập trung bình của người Triều Tiên, các con số cũng bí ẩn tương tự. Số liệu ước tính năm 2011 của Maddison Project, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên hợp Quốc lần lượt là 1.718 – 1.197 – 612 – 571 USD.
Dù bí ẩn, nhưng đất nước này cũng là một thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng với quy mô 25,49 triệu dân (năm 2017) và giàu khoáng sản. Statistics Korea cho biết sản lượng khai thác than và quặng sắt của Triều Tiên đã tăng lần lượt là 13% và 7%, lên gấp 10 lần Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, người Triều Tiên cũng đang dần cởi mở hơn với công nghệ thông tin khi số người dùng điện thoại di động tăng 11% trong năm 2016. Hiện cứ 100 người có 14 dùng điện thoại.
"Triều Tiên sẽ rất hấp dẫn", ông Lương nói. Tuy nhiên, người Mỹ trong tương lai gần vẫn chưa thể tiếp cận thị trường này, ngay cả khi kết quả những đàm phán giữa ông Trump và ông Kim là tích cực.
"Ngoài niềm tin, Triều Tiên phải chuyển dần sang nền kinh tế thị trường thì người Mỹ mới chơi được", ông Lương nói và cho biết những bước tiến tại đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo sẽ mở đường cho câu chuyện kinh tế ở giai đoạn sau.
Theo ông Lương, ông Trump về cơ bản muốn giải quyết các vấn đề của Triều Tiên gói gọn trong nhiệm kỳ của mình.
"Cũng giống như Bill Clinton với hồ sơ Việt Nam, Donald Trump cũng muốn xử lý cơ bản câu chuyện Triều Tiên. Họ là những người có tính cá nhân cực cao và muốn đi vào lịch sử như là người kết thúc được các vấn đề hóc búa của thế giới", ông Lương nhận định.
Theo ông, tốc độ của xử lý vụ việc nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào việc ông Donald Trump xem xét khả năng tái đắc cử trong nhiệm kỳ sau. "Nhưng tôi cho rằng ông ta sẽ giải quyết được. Trump rất muốn có cho riêng mình một bộ hồ sơ Triều Tiên", ông Nguyễn Đình Lương nói.