Trải qua một năm trầm lắng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực nợ đến hạn lớn lên tới hơn 205 nghìn tỷ, trong khi vấn đề khôi phục niềm tin nhà đầu tư sau những vụ vi phạm là vấn đề dài hạn cần sự nỗ lực từ tất cả các chủ thể tham gia thị trường.
TPDN vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2023
Chia sẻ tại Tọa đàm “Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" do FiinGroup phối hợp với Vneconomy tổ chức, chuyên gia FiinRatings cho rằng giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong năm qua đã làm giảm quy mô tổng dư nợ trái phiếu và dẫn tới rủi ro tái cấp vốn tăng cao, nhất là với ngành bất động sản vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành toàn thị trường.
Điều kiện kinh doanh không thuận lợi và mức độ đòn bảy tài chính cao, nhất là một số ngành có dự nợ trái phiếu lớn bao gồm bất động sản đã khiến cho số lượng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ gia tăng.
Dù còn khá nhiều thách thức, song ông Đào Phúc Tường, Chuyên gia tài chính cho rằng, kênh đầu tư trái phiếu vẫn là kênh đầu tư rất tốt cho năm 2023 và năm 2024.
Điều này đến từ mặt bằng lãi suất có xu hướng đi xuống cộng thêm môi trường kinh doanh khó khăn nên những doanh nghiệp tốt cũng phải đẩy lãi suất huy động trái phiếu lên để đáp ứng hoạt động kinh doanh. Nhìn 2020-2021, lợi suất trái phiếu đến tay nhà đầu tư khoảng 8-9% trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng 6-7%.
"Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy nhìn thấy nhiều doanh nghiệp có xác suất vỡ nợ cực thấp, nhưng lợi suất trái phiếu lại gấp đôi tiền gửi ngân hàng với các kỳ hạn tương đương. Do đó, đầu tư trái phiếu là kênh rất hấp dẫn với nhà đầu tư thụ động. Giờ nói đến trái phiếu ai cũng chán thì đó là cơ hội đầu tư rất tốt" , ông Đào Phúc Tường chia sẻ.
Dù dự báo thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới, song chuyên gia FiinRatings cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục huy động được vốn trên thị trường nội địa, hoặc được giải ngân vốn vay bởi ngân hàng và thị trường nợ quốc tế, mặc dù lãi suất có phần cao hơn so với thời gian trước.
Đặc điểm chung của các doanh nghiệp đó là (1) minh bạch thông tin về năng lực tín dụng của họ bao gồm phương án và mục đích sử dụng vốn; (2) những ảnh hưởng và tác động là có tính chất tạm thời và có cơ hội phục hồi cao trong 12-24 tháng tới; (3) quản trị doanh nghiệp tốt và rủi ro pháp lý thấp; và (4) có mức độ đòn bảy phù hợp với mô hình kinh doanh và dự phóng về dòng tiền về để đáp ứng nghĩa vụ nợ.
"Chìa khoá" để tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN
Nói về triển vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia tại toạ đàm đã chỉ ra những giải pháp chính cho sự chung tay của các thành viên thị trường để cải thiện câu chuyện thị trường, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cụ thể, đối với các tổ chức phát hành , “chìa khóa” là chủ động minh bạch thông tin. Nhà đầu tư cần trang bị thêm thông tin và làm quen với khái niệm rủi ro khi tham gia đầu tư cũng như làm quen với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Còn đối v ới cơ quan quản lý , các giải pháp đồng bộ cần được đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản hơn, bao gồm việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp tập trung, tạo thanh khoản giúp thị trường trở nên cân bằng hơn.
Bên cạnh đó là công tác xây dựng công cụ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ chế phân loại và khuyến khích phát cơ sở nhà đầu tư không chỉ với tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mà nhiều hình thức định chế đầu tư khác.
Giải pháp tháo gỡ trước mắt được được kỳ vọng là quy định triển khai tái cơ cấu nợ TPDN khi sửa đổi Nghị định 65 đi vào hiệu lực. Cùng với điểm mấu chốt là tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản thì các chuyên gia kỳ vọng việc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và TPDN sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới này.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn TPDN cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65.
Qua đó, có sự hỗ trợ bởi NHNN thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với việc thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm.
Việc triển khai đồng bộ giữa việc triển khai tín dụng bất động sản và tái cơ cấu TPDN sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205 ngàn tỷ đồng TPDN đáo hạn trong năm 2023 này, trong đó có 104 ngàn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản.