Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhìn nhận, đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án lớn. Tuy nhiên, ông Đính cảnh báo, đi kèm với đất đai phải là hạ tầng phù hợp, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá của đất đã tăng theo. Do đó, những tin đồn thổi về giá đất có thể làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường...
Tại Hà Nội, chính thông tin 4 huyện lên quận đã tạo ra tâm lý kích thích nhà đầu tư rót tiền. Tuy nhiên, việc tạo ra một danh xưng mới không giúp “quạ biến thành công” nếu đó chỉ là danh xưng không thực chất.
Đơn cử, những năm qua, huyện Hoài Đức hứa hẹn sẽ xây dựng đô thị phát triển, văn minh, nhưng khi dự án đổ về lại không có hạ tầng kết nối, không có hạ tầng xã hội, nhà xây lên không có người về ở. Đây là nguyên nhân khiến giá trị đô thị bị giảm dần theo giá trị đầu tư (nhiều người phải bán cắt lỗ) và giao dịch thị trường có lúc ngưng trệ.
Chưa kể, cần rất cẩn trọng với các “hệ luỵ” nhãn tiền, như các đợt sốt đất đã xảy ra trước đây bởi giá bất động sản tăng do đầu tư đón đầu quy hoạch thường không chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.
Ví dụ, như ở Đông Anh, hay Vân Đồn, Phú Quốc chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên quận, thành đặc khu mà giá bất động sản tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường, không mang lại lợi ích gì cho cả địa phương, xã hội và thị trường.