EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng hóa Việt Nam sau Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Sau khi hoàn thành phê chuẩn, hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng lành mạnh và bền vững trong mối quan hệ kinh tế thương mại dài hạn giữa hai bên.
Kỳ vọng của hiệp định EVFTA là EU sẽ tiến hành tự do hóa 71% hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày đầu tiên và thêm 99% nữa sẽ được miễn thuế trong vòng bảy năm. Tuy nhiên, để nắm được tác động cụ thể, lợi ích và các bước cần thực hiện, doanh nghiệp cần phải hiểu một số yếu tố tạo nên hiệp định EVFTA thông qua việc tìm hiểu kỹ khuôn khổ hợp tác, tác động theo từng ngành, và rào cản kỹ thuật.
Ủy ban Thương mại - Chìa khóa để doanh nghiệp mở cánh cửa "khuôn khổ hợp tác"
Theo kế hoạch triển khai hiệp định EVFTA, hai bên sẽ thành lập Ủy ban Thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ khuôn khổ hợp tác, và các tiểu ban chuyên ngành tập trung triển khai các chính sách để đảm bảo lợi ích của các ngành hàng được hiện thực hóa từng giai đoạn theo lộ trình loại bỏ thuế quan đã vạch ra theo hiệp định EVFTA.
Bên cạnh Ủy ban Thương mại, có 5 tiểu ban khác sẽ được thành lập:
1. Ủy ban đặc biệt về thương mại hàng hóa (bao gồm một nhóm làm việc về Quyền sở hữu trí tuệ /Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) và một nhóm làm việc về xe máy và phụ tùng xe máy)
2. Ủy ban chuyên ngành đầu tư, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ
3. Ủy ban chuyên môn về thương mại và phát triển bền vững
4. Ủy ban chuyên môn về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật
5. Ủy ban chuyên ngành về hải quan
Ngành nào hưởng lợi nhiều nhất khi triển khai EVFTA?
Theo hiệp định EVFTA, đối với hàng hóa trong các ngành công nghiệp khác nhau sẽ được loại bỏ thuế quan tại nhiều thời điểm. Máy móc và thiết bị sẽ được tự do hóa khi có hiệu lực của Hiệp định. Một nửa số dược phẩm xuất khẩu từ EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại sẽ được miễn sau bảy năm. Chính sách tương tự sẽ áp dụng cho các bộ phận của xe hơi, thịt lợn đông lạnh và các chế phẩm thực phẩm. Cuối cùng, rượu và rượu mạnh sẽ được tự do hóa sau bảy năm và bia sau 10 năm.
Bên cạnh lợi ích được miễn giảm thuế quan, hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ làm gia tăng các dịch vụ xuyên biên giới, tự do hóa đầu tư và thương mại điện tử. Ví dụ, Việt Nam đã mở cửa thị trường dịch vụ xã hội, cho phép cung cấp dịch vụ giáo dục bậc đại học và sau đại học, và loại bỏ việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (economic need test - ENT) với dịch vụ phân phối.
Đối với dịch vụ tài chính và viễn thông, các ngân hàng EU có thể đầu tư tới 49% vào một số ngân hàng thương mại cổ phần nhất định tại Việt Nam. Ngành viễn thông cho phép các nhà đầu tư EU hoạt động bình đẳng, thành lập các công ty thuộc sở hữu cung cấp internet và dịch vụ giá trị gia tăng như email, thông tin trực tuyến, xử lý dữ liệu,….
Với nhiều ưu đãi trên, có thể dự đoán sẽ có nhiều làn sóng đầu tư trong tương lai với sự gia tăng về số lượng các công ty gia nhập thị trường Việt Nam và những dịch vụ hợp nhất, đặc biệt là ưu đãi trong lĩnh vực thương mại điện tử khi hiệp định này thúc đẩy một số quy tắc như cấm thuế hải quan, miễn trừ trách nhiệm đối với các hình thức trung gian trực tuyến, v.v. ).
Mua sắm chính phủ cũng sẽ được mở cửa cho các công ty EU bằng việc cho phép họ có cơ hội đấu thầu hợp đồng cơ sở hạ tầng (đường, cảng, v.v.), Điện lực Việt Nam (EVN), Đường sắt quốc gia (VNR), 34 bệnh viện công và các trường đại học lớn.
Việt Nam đã đồng ý phát triển một cổng thông tin trực tuyến để thông báo các hợp đồng mua sắm chính phủ. Mặc dù, Việt Nam còn nhiều thời gian để chuẩn bị khi cổng thông tin này đi vào hoạt động muộn nhất là 10 năm kể từ khi gia nhập hiệp định EVFTA nhưng đây có thể là thách thức nếu không có bản tóm tắt các tài liệu thông báo mua sắm bằng tiếng Anh.
Tiêu chuẩn quốc tế - Rào cản kỹ thuật hay động lực phát triển
Sau khi hiểu rõ về khuôn khổ hợp tác và ngành nghề, công tác tiếp theo các doanh nghiệp cần tiến hành chính là xem xét các rào cản kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến một số điều kiện tự do hóa thương mại có trong hiệp định. Các rào cản kỹ thuật phần lớn gắn liền với các tiêu chuẩn tự nguyện khác nhau và các quy định kỹ thuật bắt buộc nhằm xác định các đặc điểm nên có của một sản phẩm.
Việt Nam đã đồng ý các tiêu chuẩn quy định bởi Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và Ủy ban tiêu chuẩn về thực phẩm quốc tế Codex Alimentarius. Dự kiến các nhà xuất khẩu sẽ làm việc với các cố vấn để đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cần thiết và không gặp khó khăn trong quá trình triển khai hiệp định EVFTA.