"Đây là lần đầu tiên, virus đậu mùa khỉ bùng phát với quy mô như thế này. Nó đang thực sự trở thành dịch ở một số quốc gia", Tiến sĩ Syra Madad, người đứng đầu chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm đặc biệt thuộc chương trình Health + Hospitals của Thành phố New York, Mỹ, cho biết.
Nhận định này được đưa ra không lâu sau khi Tổ chức Y tế kích hoạt cảnh báo cao nhất với đậu mùa khỉ, coi đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc WHO tin rằng cần có sự phối hợp quốc tế để ngăn chặn nó leo thang thành đại dịch toàn cầu.
"Chúng ta không thể xem nhẹ đợt bùng phát dịch đang diễn ra. Điều tồi tệ là virus này đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia mà nó không phải căn bệnh đặc hữu", Tiến sĩ Madad nói và nhận định sự xuất hiện của nó ngay khi đại dịch Covid-19 còn chưa được thanh toán gây ra những áp lực với các quốc gia trong nỗ lực chông dịch.
Với những kinh nghiệp từ việc chống Covid-19, bà Madad cho rằng các quốc gia cần hành động mạnh tay hơn nữa để ngăn đậu mùa khỉ trở thành bệnh đặc hữu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua giọt bắn sau khi tiếp xúc trực tiếp với người mắc. Virus này cũng có thể lây lan thông qua dịch cơ thể, tổn thương da hay các vật dụng dùng chung như ga giường. Trong khi đó, WHO nói rằng đậu mùa khỉ không bị giới hạn lây lan trong bất cứ nhóm nào mà ai cũng có thể mắc.
Ở thời điểm hiện tại, vắc xin là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nguy cơ lây lan. Vắc xin đậu mùa thông thường được chứng minh có hiệu quả trong ngăn chặn đậu mùa khỉ. Cuối tuần trước, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng để đối phó với số ca mắc đậu mùa khỉ đang gia tăng.
Theo CDC, Mỹ đã ghi nhận hơn 2.500 ca mắc đậu mùa khỉ ở 44 bang cùng với thủ đô Washington D.C và vùng lãnh thổ Puerto Rico. Vắc xin đậu mùa cũng đang được phân phối tới các vùng lãnh thổ, thành phố và tiểu bang. Tuy nhiên, vắc xin đậu mùa đang không đủ khi nhu cầu đột ngột gia tăng.
Ở thời điểm hiện tại, đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 75 quốc gia trên khắp thế giới. Theo WHO, nguy cơ bùng phát dịch trên toàn cầu là trung bình còn riêng ở châu Âu là cao. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về căn bệnh này.
Người ta phát hiện ra bệnh đậu mùa khỉ vào năm 1958 trên các những con khỉ được nuôi để nghiên cứu. Chính vì thế, nó có tên là đậu mùa khỉ. Hơn 1 thập kỷ sau, các bác sĩ phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên trên tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Sau đó, căn bệnh này xuất hiện thường xuyên ở Trung Phi và Tây Phi với các đợt bùng phát quy mô nhỏ. Tuy nhiên, trong lần này, đợt bùng phát của đậu mùa khỉ đã rất lớn, vượt xa những gì virus này có thể làm được trước đây.
Tham khảo: CNBC