Trong bối cảnh nguồn cung tắc nghẽn, nhiều dự án mới không thể triển khai do công tác phê duyệt thủ tục hành chính kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã phải gửi đơn thư cầu cứu đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đứng ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển lại cho rằng việc khan hiếm nguồn cung mới không phải là vấn đề đáng lo ngại trong thời điểm này.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, tổng nguồn cung trong thời kỳ bùng nổ bất động sản từ năm 2015 - 2018 đã tạo ra quá nhiều sản phẩm trên thị trường mà đến nay vẫn chưa được sử dụng hết. Việc người dân thiếu nhà ở là vì họ cần nguồn sản phẩm giá rẻ, mỗi một người dân đều muốn có nhà chứ không hẳn là do thiếu nguồn cung. Còn việc chậm trễ trong cấp phép dự án mới là do Chính phủ đang muốn giảm tốc lại để điều chỉnh phát triển theo hướng an toàn hơn sau thời gian phát triển quá nhanh.
TS Đinh Thế Hiển
“Trước hết, chúng ta phải hình dung rằng năm 2019 ngân hàng Nhà nước đã ra chủ trương siết tín dụng bất động sản cho thấy hệ thống ngân hàng đã có những hạn chế cho vay bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không phải đơn phương làm như vậy mà đã có chính sách của Chính phủ trong việc siết tín dụng bất động sản. Có thể họ nhận thấy rằng việc bất động sản phát triển quá nhanh và thiếu an toàn nên mới đưa ra chỉ thị như vậy.
Về khó khăn trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, Chính phủ, ngân hàng Nhà nước đều biết nhưng vẫn ra chủ trương siết chặt là có nguyên do. Có thể thấy trong vòng 3 năm từ 2015-2018, số lượng căn hộ và đất nền tại TP.HCM đã xây dựng và đang xây dựng đã nhiều hơn gấp 4 lần so với thời kỳ đóng băng vào năm 2008. Điều đó cho thấy bất động sản đã phát triển cực mạnh trong những năm qua.
Như vậy, rõ ràng nguồn cung rất lớn, nguồn hàng có sẵn đã đủ cho năm nay và thậm chí cả năm sau chứ không phải thiếu hay đáng lo ngại. Điều đó cho thấy các dự án về nhà ở không phải là thiếu. Nếu có thiếu thì là do mỗi người dân đều muốn có nhà giá rẻ chứ không phải thiếu nơi ở để Chính phủ phải lo ngại. Phải nhìn vào thực tế, nếu như những dự án đã ra hàng bán hết toàn bộ, kín người mua, thuê thì mới đáng lo còn hiện tại vẫn trống rất nhiều thì không có gì đáng lo”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối với một doanh nghiệp bất động sản khi tham gia vào thị trường thì phải chấp nhận làm việc theo cơ chế thị trường, theo cung cầu và tuân theo pháp luật. Khi Nhà nước có cơ chế siết chặt, hạn chế cấp phép các dự án mới tức là đang muốn sàng lọc lại thị trường.
Dự án có vấn đề, doanh nghiệp làm không đúng luật, lách luật thì mới bị ách tắc chứ không tự nhiên mà ách tắc về thủ tục hành chính. Còn doanh nghiệp nào đang làm những dự án đúng luật, tuân thủ mọi thủ tục, quy định của các cơ quan mà vẫn bị chậm trễ về thủ tục thì cứ mạnh dạn kiến nghị ra cấp cao hơn, không được thì gửi ra Tòa án, tổ chức họp báo công bố mọi thủ tục giấy tờ hợp pháp. Khi đó, cơ quan nào làm việc thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh sẽ được xử lý.
“Tôi đánh giá vấn đề ít nguồn cung mới trong bất động sản hiện nay không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bằng chứng là GDP vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2019 dù cho bất động sản vướng mắc, đình trệ. Như vậy đây không phải là vấn đề của kinh tế thị trường mà là sự lập lờ giữa sự cần thiết của các doanh nghiệp trong bất động sản. Khi một dự án bị ách tắc, doanh nghiệp cần tự hỏi lại chính mình rằng tại sao dự án lại có vấn đề? Phải chăng là không minh bạch về chuyển giao đất công. Hiện nay, xã hội rõ ràng là đang thiếu công viên, công trình dân sinh, bệnh viện, trường học… mà tại sao lại có nhiều công ty có đất để làm dự án riêng như vậy?
Tóm lại, nếu dự án không được cấp phép, bị ách tắc thì phải làm rõ rằng liệu dự án đó có sự thất thoát đất công hay không. Nếu doanh nghiệp chết thì là do doanh nghiệp làm không đúng. Còn trong trường hợp anh đã làm đúng hết thì cứ công bố dự án cụ thể, chứng minh thủ tục đầy đủ, doanh nghiệp muốn phát triển được thì phải đủ năng lực kiện lên Tòa án chứ không thể nói suông. Còn hiện tại, thị trường đang có sự sàng lọc, kỷ cương bất động sản cần được lập lại, Nhà nước đang kiên quyết lập lại trật tự, kiên quyết “đốt lò “để đưa thị trường đi theo hướng phát triển chủ trương kinh tế sạch.
Còn nếu nói bất động sản xuống dốc kéo theo bất ổn về kinh tế là chưa đúng. Nếu như vậy thì tại sao GDP năm 2019 lại tăng trường tốt hơn mà không cần dựa vào bất động sản. Phải lật lại vấn đề, vào thời kỳ năm 2008, 2009, 2011 Chính phủ đã chủ trương đưa nền kinh tế phát triển theo hướng “kinh tế sạch”, “kinh tế bền vững”. Do đó, nếu bất động sản có phát triển chậm lại so với 2 năm trước tức là để làm rõ pháp lý của từng dự án cụ thể, phải xử lý đúng sai rõ ràng thì khi đó doanh nghiệp mới có thể làm tốt.
Nhìn chung, nguồn cung bất động sản trong các năm qua vẫn đang đủ cho nguồn cầu. Cho nên, doanh nghiệp muốn trụ lại thì trước tiên phải làm đúng luật. Nếu dự án sạch nhưng vẫn bị chậm trễ do sự vô trách nhiệm của các cơ quan thì hãy kiện lên cấp cao hơn, họp báo để đòi công bằng chứ không thể nói chung chung rồi kêu giải cứu.
Vào năm 2012, trong lúc thị trường suy thoái, nhiều lãnh đạo chuyên gia đều đã nhận định rằng doanh nghiệp muốn sống lâu thì phải đủ thực lực để phát triển, đủ nguồn vốn để trụ lại khi rủi ro. Chứ không thể nói do tôi đi vay nhiều nên phải có dự án để làm, để phát triển. Như vậy, doanh nghiệp cũng phải đủ tài chính mới phát triển được”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định.