Thu hút đầu tư vào hạ tầng
Đóng góp vào quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị các điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế (đặt tại thành phố Thủ Đức) về hành lang pháp lý, hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông, có quy hoạch về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ… Ngoài ra, khi quy hoạch thành phố Thủ Đức cũng cần chú ý phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; chú trọng phát triển năng lượng sạch…
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố Thủ Đức muốn thu hút các nhà đầu tư, tầm cỡ quốc tế phải đầu tư mạnh hạ tầng giao thông. Hiện nay, thành phố Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như các tuyến Vành đai 2, Vành Đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1… Một khi các tuyến đường giao thông kết nối tại thành phố Thủ Đức được hoàn thiện sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, những “con sếu đầu đàn" đầu tư vào đây.
Trong khi đó, là doanh nghiệp đang sản xuất tại thành phố Thủ Đức, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, trong quy hoạch của thành phố Thủ Đức bắt buộc phải giải quyết được bài toán quy hoạch treo, dự án treo để giải phóng quỹ đất. Thành phố Thủ Đức muốn phát triển phải có trung tâm phát triển quỹ đất, tiến tới hình thành công ty phát triển quỹ đất công thuộc sở hữu nhà nước. Đơn vị này sẽ cung cấp quỹ đất cho các dự án tầm cỡ khu vực và quốc tế để họ có cơ sở đến thành phố Thủ Đức đầu tư. Tuy nhiên, khi có quỹ đất, thành phố cần tránh tình trạng quy hoạch xong, nhà đầu tư không vào được vì giá trị đầu tư rất lớn bởi giá đất tăng.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố Thủ Đức muốn quy hoạch thành đô thị sáng tạo phải đảm bảo điều kiện sống, học tập, làm việc phải diễn ra trong một không gian chung để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo. Bởi tất cả quy hoạch đều nhằm phục vụ nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân ở nơi đó, khi người dân có cuộc sống đầy đủ thì sẽ tạo ra những giá trị cho xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng.
Phát triển lợi thế sông Sài Gòn
Góp ý phát triển quy hoạch của thành phố Thủ Đức, Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, để phát huy vai trò lợi thế của thành phố Thủ Đức về lĩnh vực cảng biển, logistic cần xem xét đến các tuyến giao thông kết nối giữa thành phố Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai; trong đó, đảm bảo khai thác hết năng lực của cảng Cát Lái bằng việc kết nối giao thông không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn với các tỉnh lân cận, khu công nghiệp lớn; đồng thời nghiên cứu, quy hoạch phát triển các khu đậu, chờ cho tàu thuyền trả, lấy hàng hóa; quy hoạch khu dân cư gần các khu công nghiệp lớn lân cận cần kết nối giao thông thuận lợi cho người lao động đi lại…
Trong khi đó, là một doanh nghiệp chuyên về du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, thành phố Thủ Đức đang có lợi thế lớn về sông nước, bởi toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TP Hồ Chí Minh gần như đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức. Vì vậy, thành phố Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn, phát triển du lịch về đêm... Thực tế, thành phố Thủ Đức có đủ điều kiện phát triển du lịch cao cấp có đi kèm các dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm... "Trước mắt, thành phố Thủ Đức có thể tận dụng đường bờ sông, đường ven sông đối diện Quận 1 để trang bị ánh sáng cho bên bờ sông sáng đèn hơn để phục vụ người dân, du khách đi du lịch ban đêm, nhất là giới trẻ đang rất quan tâm các dịch vụ ban đêm trên sông Sài Gòn. Hiện nay, đoạn sông đối diện Quận 1 của thành phố Thủ Đức không sáng đèn và rất buồn, điều này đang gây khó khi muốn phát triển du lịch", ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, muốn hoàn thiện quy hoạch thành phố Thủ Đức trong thời gian tới rất cần chú trọng quy hoạch không gian ngầm. Hiện nay, đất đai và không gian phát triển có giới hạn nên quy hoạch không gian ngầm là một trong những cách mở rộng không gian đầu tư cho đô thị. Tránh tình trạng như trung tâm hiện hữu TP Hồ Chí Minh hiện nay, muốn đầu tư không gian ngầm mà không có quy hoạch.
"Làm sao để đồ án quy hoạch thành phố Thủ Đức khả thi nhất và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng thành phố Thủ Đức để thực hiện quy hoạch này. Hiện nay, thành phố Thủ Đức đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040 với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP Hồ Chí Minh và quốc gia", ông Hoàng Tùng cho biết.