Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến, các chuyên gia đến từ Dragon Capital đã chỉ ra rằng kỷ luật và thời gian sẽ là hai yếu tố mang tính chất quyết định trong đầu tư, mang tới "điều kỳ diệu" của việc đầu tư tài chính một cách đều đặn và lâu dài.
Tuy nhiên, ngoài khoản vốn dài hạn và mang tính ổn định cao, nhà đầu tư chắc chắn sẽ còn phát sinh những dòng tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn với thời gian chỉ từ 3-6 tháng. Đó có thể là khoản tiết kiệm cho mua sắm cuối năm, hoặc là tiền chốt lời từ đầu tư chứng khoán nhưng chưa giải ngân vào các cơ hội mới... Thậm chí tại các doanh nghiệp, số vốn nhàn rỗi đến từ khoản tiền chưa đến hạn thanh toán cho các ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là lượng tiền nhàn rỗi này nên được sử dụng như thế nào để đạt mức sinh lời tốt nhất chỉ trong thời gian ngắn như vậy?
Bà Nguyễn Tuyết Hồng - Giám đốc Đầu tư trái phiếu đến từ Dragon Capital cho biết, trở lại khoảng thời điểm trước những năm 2000, kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam là vàng, ngoại tệ và bất động sản. Phần đông nhà đầu tư khi đó quen thuộc sử dụng vàng và ngoại tệ đối với những khoản vốn nhỏ và bất động sản với các dòng tiền lớn hơn.
Sau khoảng giai đoạn vượt qua khủng hoảng 2008 - 2013, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cải thiện và sự xuất hiện của thị trường chứng khoán đã khiến bức tranh tài chính trở nên sôi động hơn. Nhà đầu tư hướng tới các kênh đầu tư trong nước với mức độ an toàn được đảm bảo như tiền gửi tiết kiệm, cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu...
Việc lựa chọn gửi tiết kiệm là điều dễ hiểu khi đây là kênh đầu tư an toàn và dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, lãi suất tiết kiệm đang ở mức khá thấp khi Chính phủ tiếp tục gia hạn các chính sách giảm lãi suất nhằm phục hồi nền kinh tế sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Nhìn rộng hơn, mức lãi suất tiết kiệm đang trên đà giảm từ năm 2011 tới nay. Chuyên gia đến từ Dragon Capital đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Nguồn: Dragon Capital (ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, sự thiếu linh hoạt cũng là yếu tố gây cản trở cho nhà đầu tư nếu cần rút tiền trước hạn. Những điều này chắc chắn sẽ khiến kênh đầu tư quen thuộc là gửi tiết kiệm trở nên kém thu hút dòng tiền và không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Theo khảo sát của Dragon Capital, có tới 80% người gửi tiết kiệm dưới 6 tháng, thậm chí chỉ gửi theo từng tháng và sau đó nhanh chóng rút tiền, dẫn tới lợi nhuận ghi nhận thấp. Do đó có thể thấy nhu cầu về một kênh đầu tư linh hoạt và hấp dẫn hơn đang ngày càng gia tăng.
(ảnh chụp màn hình)
Theo bà Hồng, các quỹ mở với thời gian đầu tư linh động, quỹ trái phiếu ngắn hạn với tính an toàn cao hoặc trái phiếu doanh nghiệp sẽ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn so với tiền gửi và thu nhập cũng ổn định hơn so với các kênh đầu tư khác.
So sánh giữa các kênh đầu tư này, trái phiếu doanh nghiệp sẽ yêu cầu mức tiền tối thiểu để tham gia, có thể là 100 triệu đồng kèm theo là chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp... Quan trọng hơn, nhà đầu tư cần phải hiểu khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ nắm trực tiếp rủi ro từ chính trái phiếu đó. Do đó tính minh bạch và độ an toàn sẽ thấp hơn các kênh đầu tư khác. Đây cũng là hiện trạng đang xảy ra trong thời gian qua khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt nhằm huy động vốn dẫn tới "vàng thau lẫn lộn".
Trong khi đó, đầu tư tại các quỹ trái phiếu sẽ có thể không ghi nhận hiệu suất cao như việc mua trái phiếu trực tiếp, nhưng sẽ linh động cả về thời gian rút tiền cũng như số vốn bỏ ra. Đặc biệt, bà Hồng cho biết tính an toàn sẽ được đảm bảo từ tổ chức điều hành quỹ, giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và thiếu kinh nghiệm.
(ảnh chụp màn hình)