Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến chiều 28/9, ông Nguyễn Sang Lộc - Trưởng phòng quản lý danh mục Dragon Capital Việt Nam đánh giá tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 là vô cùng lớn, tạo ra nhiều sự thay đổi của một số ngành nghề trong dài hạn.
Chuyên gia đến từ Dragon Capital không quá lạc quan vào triển vọng các các ngành như du lịch, vận tải hành khách hay nhà hàng. Các lĩnh vực này sẽ khó có thể trở lại sớm quay lại hoạt động bình thường trong vòng 12 tháng, thậm chí là 18 tháng tới. Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp đã phá sản, nhiều việc làm biến mất và tâm lý người tiêu dùng và người lao động còn chưa thực sự sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường.
Ông Lộc đưa ra ví dụ về việc Chính phủ dự kiến thí điểm Phú Quốc là địa điểm đón khách quốc tế quay trở lại, song đã phát hiện ra các trường hợp F0 ngay trước thời điểm dự kiến mở cửa. Điều này ít nhiều sẽ tạo ra tâm lý e dè trong đa số, tiềm năng của các lĩnh vực dịch vụ này vì thế cũng không mấy khả quan.
Theo đó, bàn về nhóm ngành sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế Việt Nam thực hiện "bình thường mới", chuyên gia cho rằng điểm sáng trong thời gian tới đây sẽ gồm các nhóm cổ phiếu được được thị trường xem xét thận trọng là ba nhóm cổ phiếu: tài chính – ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.
Cụ thể, kỳ vọng từ việc chính phủ sử dụng đầu tư công nhằm duy trì được tăng trưởng cho nền kinh tế sẽ giúp nhóm ngành liên quan tới vật liệu xây dựng và bất động sản được hưởng lợi một cách trực tiếp. Ngoài ra, các yếu tố bổ trợ như nền lãi suất thấp và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dưới tác động của dịch bệnh sẽ củng cố thêm triển vọng lạc quan cho các nhóm ngành kể trên trong khoảng thời gian sắp tới.
Các chuyên gia Dragon Capital tham gia hội thảo trực tuyến chiều 28/9 (ảnh chụp màn hình)
"Người chưa có tâm lý chịu thua lỗ, thì có nghĩa là chưa sẵn sàng cho việc đầu tư"
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về liệu xu hướng "bình thường mới" của nền kinh tế Việt Nam có khiến dòng tiền nhàn rỗi đem đi đầu tư trong thời gian qua bị rút thị trường chứng khoán hay không, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital cho rằng điều này sẽ khó xảy ra. Ngược lại, quá trình mở cửa trở lại là một tín hiệu tốt, giúp tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, củng cố tốt hơn cho triển vọng trong trung và dài hạn của giá trị doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu.
Ngoài ra, ông Tuấn có nhắn nhủ rằng không nên cố gắng dự đoán chính xác tương lai của thị trường, bởi lẽ đây là điều rất khó có thể thực hiện được. Đồng thời, chứng khoán sẽ không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố thị trường, kinh tế vĩ mô mà sẽ dựa trên cả tâm lý của chính nhà đầu tư - điều ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định mua bán cổ phiếu. Ông Tuấn khẳng định, "việc đầu tư cũng như hai mặt của đồng xu, có lãi và sẽ có cả lỗ. Người chưa có tâm lý chịu thua lỗ, thì có nghĩa là chưa sẵn sàng cho việc đầu tư".
Trên thực tế, "trạng thái bình thường mới" là cụm từ được nhắc đến vô số lần trong thời gian vừa qua, song ông Tuấn cho biết việc xác định như thế nào là bình thường mới và sức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán vẫn còn khá mơ hồ. Mặc dù vậy, kể cả trong bối cảnh mới hay cũ, vị chuyên gia đến từ Dragon Capital nhấn mạnh về một quan điểm đầu tư cơ bản và không thay đổi theo thời gian chính. Đó là nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ coi việc đầu tư chứng khoán là "nghề tay trái", điều quan trọng là nên đầu tư đều, bất chấp thị trường lên xuống thì khoản đầu tư sau khoảng vài năm sẽ có hiệu suất tốt đến bất ngờ hơn là những khoản trading ngắn hạn.