Tại hội thảo Triển vọng đầu tư 2021 diễn ra sáng 27/1, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital đã có những chia sẻ về kinh tế cũng như TTCK Việt Nam năm 2021.
Ông Lê Anh Tuấn đánh giá 2020 là năm thành công của Việt Nam khi nằm trong top đầu các quốc gia tăng trưởng kinh tế trên Thế giới. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng FDI đăng ký vào Việt Nam giảm không đáng kể so với năm trước, tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu Châu Á, dẫn tới thặng dư thương mại kỷ lục và Việt Nam đồng trở thành đồng tiền ổn định nhất khu vực. Với nền tảng vĩ mô vững chắc, TTCK Việt Nam đã hồi phục ấn tượng từ vùng 650 điểm vào cuối quý 1/2020 lên trên 1.100 điểm khi kết thúc năm 2020.
Động lực tăng trưởng năm 2021 bên cạnh những yếu tố đã là lợi thế của Việt Nam trong những năm qua như vĩ mô ổn định, tăng trưởng tầng lớp trung lưu còn có 2 yếu tố mới so với những năm trước là lãi suất đang ở mức rất thấp và việc Chính phủ nỗ lực giải ngân đầu tư công.
Lãi suất huy động kể từ đỉnh cao năm 2011 đã bước vào chu kỳ giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp kỷ lục sau 4 lần cắt giảm năm 2020. Hiện có khoảng 400 tỷ USD tiền đang gửi tiết kiệm, trong đó phần lớn là tiền gửi dưới 6 tháng với khoảng 320 tỷ USD. Với lãi suất thấp như hiện nay sẽ kéo theo xu hướng rút bớt tiền gửi tiết kiệm và đầu tư chứng khoán, điều này có thể thấy qua con số tài khoản chứng khoán mở mới kỷ lục trong năm 2020.
Lãi suất huy động thấp đang khiến dòng tiền dịch chuyển vào chứng khoán
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Lê Anh Tuấn cho rằng từ năm 2021 – 2025 sẽ là giai đoạn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 120 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2021 sẽ đầu tư khoảng 22 tỷ USD.
Tỷ lệ nợ công/GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt khoảng 54,3%, con số thấp nhất trong giai đoạn 2015 – 2020. Trong khi đó, lãi suất Chính phủ đang ở mức rất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ cho Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh "Đầu tư công" sẽ là điểm nhấn kinh tế Việt Nam trong chu kỳ 5 năm tới.
Trong năm 2020, ông Lê Anh Tuấn dự báo lạm phát sẽ giữ ở mức thấp, khoảng 3,5%, thậm chí Việt Nam đồng sẽ lần đầu tiên tăng giá sau rất nhiều năm, qua đó giảm đáng kể áp lực lên lạm phát.
Cũng theo chuyên gia Dragon Capital, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu sẽ là yếu tố giúp chứng khoán, BĐS tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Dự báo vĩ mô Việt Nam năm 2021 của Dragon Capital
Chứng khoán Việt Nam đang có định giá tốt để đầu tư
Về diễn biến TTCK Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn đã chia sẻ góc nhìn về 3 lần chỉ số VN-Index tiến tới vùng đỉnh 1.200 điểm. Lần đầu tiên vào năm 2007, VN-Index đạt 1.170 điểm và định giá P/E khi đó là 45,2 lần. Đến năm 2018, VN-Index đạt 1.204 điểm, tương ứng P/E 23.x và vào này 22/1 vừa qua, VN-Index đạt 1.166 điểm, tương ứng P/E khi đó là 18,1 lần. Tuy nhiên sau những phiên giảm mạnh trong tuần giao dịch này, P/E VN-Index đã giảm xuống còn khoảng 17.x.
Định giá VN-Index hiện chỉ tương đương vùng 689 điểm vào tháng 10/2016
Việc tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp đã giúp P/E ngày càng "hạ nhiệt" dù VN-Index đang ở vùng đỉnh lịch sử. Với định giá hiện nay, chỉ số VN-Index chỉ đang tương đương giai đoạn tháng 10/2016 khi VN-Index đạt 689 điểm. Thời điểm đó, VN-Index đã có cú bứt phá ngoạn mục với mức tăng 75% lên 1.024 điểm sau khoảng 1,5 năm.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết P/E thị trường đang ở quanh ngưỡng 18 và đây là mức định giá tốt để tham gia đầu tư bởi so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang có P/E thấp nhất trong khi tăng trưởng ROE hàng đầu.
Định giá TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất khu vực
Các động lực tăng trưởng cho thị trường lúc này đến từ mức tăng trưởng hấp dẫn và định giá thấp của thị trường. Bên cạnh đó là yếu tố dòng tiền giá rẻ được bơm vào nền kinh tế và yếu tố TTCK sẽ tăng trưởng với vai trò là kênh huy động vốn dài hạn của nền kinh tế.
Động lực tăng trưởng trong tương lai sẽ đến từ việc nâng hạng thị trường mới nổi (có thể đến trong 2-3 năm tới); Việc hình thành quỹ hưu trí, quỹ mở và ngành quản lý tài sản. Ngoài ra là yếu tốt gia tăng tầng lớp trung lưu, dẫn tới tăng nhu cầu về sản phẩm đầu tư.
Cũng theo ông Lê Anh Tuấn, tỷ lệ tài khoản chứng khoán ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 2,7% trên dân số, trong đó số tài khoản active thực sự chỉ khoảng 0,6 – 0,7%. Trong khi đó, thị trường Đài Loan hiện có tỷ lệ tài khoản vào khoảng 80% dân số. Với nhiều yếu tố thuận lợi từ lãi suất, gia tăng tầng lớp trung lưu, ông Tuấn tin rằng xu hướng người dân bỏ tiền vào đầu tư chứng khoán sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam rất thấp so với Đài Loan
Cùng với xu hướng lãi suất thấp, ông Tuấn cũng tin rằng các công ty Bảo hiểm sẽ chịu sức ép và dẫn tới việc phân bổ nhiều hơn vào cổ phiếu. Ngoài ra, các quỹ hưu trí cũng buộc phải giảm sự phụ thuộc vào trái phiếu.
Ông Lê Anh Tuấn đánh giá Việt Nam đang ở trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế và điều này sẽ rất tốt cho các hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân có thể lựa chọn phương pháp đầu tư đều hàng tháng, mua và nắm giữ dài hạn các cổ phiếu cơ bản sẽ rất tốt và đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với gửi ngân hàng.
Chuyên gia Dragon Capital đánh giá Việt Nam đang ở chu kỳ tăng trưởng kinh tế