Báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây của VCBS chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP quý 1 của Việt Nam có thể đạt khoảng 5,67% - 6,28%. Bên cạnh đó, các chuyên gia của VCBS vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2022 ở mức khoảng 6,8% - 7,2%. Theo VCBS, với trạng thái thái thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.
Trong tháng 2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 50 đồng. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng 150-200 đồng. VCBS nhận định, trước xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Fed, đồng USD sẽ lên giá tương đối so với các đồng ngoại tệ khác.
"Như vậy có khả năng các yếu tố về tỷ giá hay dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ không còn ghi nhận những diễn biến quá thuận lợi giống như năm 2021. Từ đó, VND nhiều khả năng ghi nhận mức giảm giá so với đồng USD trong năm 2022 với mức giảm không vượt quá 2%", báo cáo dự đoán.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%). Cầu tiêu dùng tiếp tục cho thấy tín hiệu phục hồi yếu.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Báo cáo cho biết, các tháng tiếp theo là thời điểm chuẩn bị bước vào cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu tại nhóm này có thể sẽ tăng trưởng trở lại.
"Tuy vậy, cũng cần theo dõi thêm tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thăng địa chính trị", VCBS lưu ý.
Tổng kết, VCBS đánh giá, nền kinh tế Việt Nam dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế vẫn đang tiếp tục cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực.
Lạm phát dự báo tiếp tục tăng trong tháng 3
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, CPI tăng 1,2% so với tháng 12/2021 và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 2/2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm 2022 tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.
Các chuyên gia của VCBS nhận định, lạm phát kỳ vọng vẫn sẽ tăng cao trong các tháng tiếp theo, đặc biệt liên quan đến việc giá xăng dầu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Cùng với đó, tác động của giá các hàng hoá, dịch vụ khác tăng cao cũng là nguyên nhân tạo áp lực đáng kể lên lạm phát.
Theo Tổng cục thống kê, tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Đế giảm thiểu tác động giá xăng dầu, các đề xuất về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này đã được tính đến.
VCBS dự báo, lạm phát tháng 3 có thể tiếp đà tăng 0,8% - 0,9% so với tháng trước đó, tương ứng tăng 2,51% - 2,61% so với cùng kỳ năm trước.