TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% (kịch bản cơ sở), đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Thậm chí, trong kịch bản tích cực, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-6,7%.
Trong đó, tăng lương cơ sở có thể khiến GDP tăng thêm 0,3-0,5 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,2-0,3 điểm % trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025-2026.
Về lạm phát, theo ông Lực áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy (đặc biệt là giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics còn ở mức cao; việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng theo lộ trình từ ngày 1/7/2024…) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền dự báo tăng cao hơn cùng với đà phục hồi kinh tế).
Tuy nhiên, lạm phát năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại. Trong kịch bản cơ sở, TS Lực dự báo lạm phát bình quân tăng khoảng 3,8-4,2%. Các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát được kể đến gồm: Giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt; giá dầu dự báo đi ngang, ở mức tương đương năm 2023; cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, khoảng 0,7-0,9 lần; áp lực tỷ giá giảm dần và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng , kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024, TS Cấn Văn Lực nêu 5 kiến nghị.
Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện quyết sách của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; các xu hướng mới về rủi ro công nghệ cao, an ninh mạng, lừa đảo.
Ngoài ra, tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng, củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân.
Hai là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng , ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, theo TS Lực cần quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế GTGT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội, phòng cháy chữa cháy….).
Kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh BĐS 2023, Luật các TCTD 2024... chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc Hội thông qua nhằm đảm bảo nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi.
Cùng với đó, sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua – bán điện trực tiếp (DDPA)...
Ba là, phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...).
Trong đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, sớm có phương án điều chuyển các cấu phần có tỷ lệ giải ngân thấp và bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực mới, quan trọng như công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhà ở xã hội (sớm thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội), phát triển du lịch bền vững (nhất là vấn đề xử lý rác thải du lịch và đào tạo nghề…)
Các bộ ngành, địa phương triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế - phí, thuế VAT; triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu lâm – thủy sản…
Thứ tư, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng , ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
Đồng thời, quyết tâm thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 và quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - BĐS).
Cuối cùng, quan tâm phát triển bền vững, dài hạn. Theo đó, các yếu tố thúc đẩy chất lượng tăng trưởng (năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...) cần được kế hoạch hóa và phân khai thực hiện cụ thể.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cơ cấu lại các dự án, các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường.