Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Tổng thống Donald Trump, là nhằm mục đích đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ.
Quả thực, một loạt các công ty đã và đang rời Trung Quốc để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại, sau khi Washington áp đặt hoàng loạt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng các công ty đó có về Mỹ không?
Tuần trước, Nikkei Asian Review đã báo cáo rằng, Google có thể sẽ chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel và loa thông minh ra khỏi Trung Quốc đến một nhà máy Nokia cũ tại Việt Nam. Apple cũng đã xem xét động thái tương tự.
Năm 2018, GoerTek, một nhà sản xuất tai nghe Airpod ở Trung Quốc, tuyên bố rằng họ đang thiết lập nhà máy ở nơi khác, đưa dây chuyền sản xuất Apple của mình từ tỉnh Sơn Đông ven biển Trung Quốc đến Việt Nam. Kéo theo Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử và nhà cung cấp chính của Apple, đang lên kế hoạch thành lập một nhà máy tại Việt Nam.
Dòng sản xuất đến Việt Nam đã chứng minh cho những tiến bộ tích cực của nền kinh tế. Bà Cailin Birch, nhà kinh tế toàn cầu, chuyên phân tích kinh tế vĩ mô của The Economist Intelligence Unit cho biết: "Chúng tôi nhận thấy, các công ty di dời vì họ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Họ muốn giảm thiểu rủi ro ở mức tối thiểu. Họ không chỉ di chuyển vì tìm kiếm cơ hội mới, họ di chuyển vì họ gần như buộc phải làm vậy. Lợi nhuận của họ đang bị siết chặt".
"Hơn nữa, so với Trung Quốc - nơi chi phí lao động tăng cao, thì lao động Việt Nam rất rẻ. Hầu hết các quốc gia sẽ đều trải qua quá trình thu hút đầu tư thông qua lao động giá rẻ. Theo thời gian, mục tiêu mới sẽ chuyển sang tăng chất lượng lao động để đạt được mức lương lao động cao hơn", Tim Forsyth, giáo sư Phát triển quốc tế tại Trường Kinh tế London nhận xét. "Một nơi như Việt Nam có lẽ sẽ khá hấp dẫn từ quan điểm chi phí vì lao động sẽ rẻ hơn và chất lượng lao động thì không chênh lệch quá nhiều so với Trung Quốc".
Kể từ năm 2016, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng từ 15,8 tỷ USD lên đến 35,8 tỷ USD. Số liệu từ Nomura, một ngân hàng đầu tư Nhật Bản, cho thấy nguồn thu từ thương mại có thể tăng gần 8% đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, quy mô lao động Việt Nam không đủ lớn để thay thế Trung Quốc. Các nhà phê bình cho rằng lực lượng lao động của Việt Nam chưa thể so sánh với kỹ năng và đào tạo chuyên môn cao có sẵn ở Trung Quốc.
Bà Cailin Birch nói: "Tôi cho rằng Việt Nam cần phải đẩy nhanh việc nâng cao trình độ lao động để theo kịp sự chuyển dịch chuỗi cung ứng này". Bà cũng nói thêm rằng, việc chuyển hoàn toàn chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là không khả thi. Các công ty sẽ vẫn tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc, để phục vụ cho các thị trường khác, và lực lượng ở Việt Nam sẽ sản xuất phục vụ thị trường Mỹ. "Tôi nghĩ rằng sẽ rất khó khăn, quá tốn kém và thậm chí là không hiệu quả khi di chuyển hoàn toàn các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc".