Sau giai đoạn lình xình đi ngang, thậm chí có nhịp "bull-trap" tăng điểm trong phiên sáng 6/12, cú chỉnh sâu ngay giữa phiên chiều đã một lần nữa thổi bay hàng chục điểm của VN-Index, vốn hóa HoSE theo đó "bốc hơi" 115.840 tỷ đồng, về mức 5,5 triệu tỷ đồng. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, thậm chí có tới gần trăm cổ phiếu giảm kịch sàn đi kèm việc "chồng chất" bán giá sàn hàng triệu đơn vị.
Như vậy, chỉ sau hai phiên 3/12 và 6/12, VN-Index giảm gần 70 điểm, vốn hóa HoSE bốc hơi 265.000 tỷ đồng. Liệu đây có phải là dấu hiệu chấm dứt xu hướng tăng điểm để đồng thời bắt đầu cho nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Nhịp điều chỉnh sẽ không quá lớn, dòng tiền luân chuyển từ cổ phiếu đầu cơ sang bluechips
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI) cho rằng thị trường trải qua 2 phiên giảm mạnh có thể do nhiều yếu tố như lo ngại về biến chủng Omicron, lo ngại tình trạng margin tại nhiều công ty chứng khoán đang trong trạng thái căng cứng.
Ông Đỗ Trung Thành, Trưởng phòng Phân tích Doanh nghiệp, CTCK Dầu khí (PSI)
Đồng thời, ông Đỗ Trung Thành cũng mở ra thêm góc nhìn khi đánh giá nguyên nhân chính cho nhịp điều chỉnh này chủ yếu đến từ động thái mới liên quan đến việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ Jerome Powell hôm 30/11 đã nói rằng FED có thể cắt giảm chương trình mua tài sản với tốc độ nhanh hơn. Như vậy, việc nâng lãi suất có thể thực hiện sớm hơn trong quý 2/2022 thay vì quý 3 như tuyên bố trước đó của FED trong cuộc họp tháng 11 vừa qua.
Thị trường tài chính toàn cầu có sự liên thông với nhau do đó động thái của FED có thể khiến dòng tiền vào các thị trường chứng khoán mới nổi nói chung cũng như thị trường Việt Nam sẽ không còn quá dồi dào. Trong bối cảnh này, dòng tiền sẽ buộc phải thông minh hơn lựa chọn những cổ phiếu chất lượng thay vì những cổ phiếu đang có định giá quá cao trong khi yếu tố cơ bản chưa bắt kịp.
Trong khi đó, hiện tại thị trường Việt Nam trong 3 tháng vừa qua ghi nhận không ít cổ phiếu penny và midcap đã tăng quá "nóng", đưa giá cổ phiếu lên mặt bằng mới với các chỉ tiêu định giá khá cao như P/E > 35 lần, P/B đạt hơn 4,x lần, tương ứng gần gấp đôi so với chỉ số định giá của VN Index hiện tại với P/E là 16,76 lần và P/B là 2,64 lần.
Do đó, ông Đỗ Trung Thành đánh giá nhịp điều chỉnh trong giai đoạn cuối năm sẽ không có sự sụt giảm quá lớn mà chủ yếu là việc dòng tiền luân chuyển sang nhóm các cổ phiếu bluechips có yếu tố cơ bản hấp dẫn như: Ngân hàng, Dầu khí, Điện, Hàng tiêu dùng, Dược phẩm, Logistics, Công nghệ - Viễn thông.
Đề cập đến yếu tố margin trong những phiên bán tháo vừa qua, ông Đỗ Trung Thành cho rằng đây không phải yếu tố chính gây áp lực cho thị trường. Trên thực tế, hiện tượng giải chấp chưa diễn ra đồng loạt mà chủ yếu là ở một số nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán hạn chế cho vay thêm để quản trị rủi ro trong giai đoạn cuối năm.
Theo tính toán của Trung tâm phân tích PSI, tỷ lệ margin toàn thị trường/vốn hóa thị trường chứng khoán ước tính đang ở ngưỡng 0,02 lần, không có quá nhiều sự biến động so với giai đoạn đầu năm. Thêm vào đó, các nhà đầu tư hiện tại đã có kiến thức và kinh nghiệm hơn nên đã có thể chủ động giảm tỷ trọng tránh tình trạng giải chấp đồng loạt diễn ra.
Xu hướng "down-trend" đã được xác lập, giải chấp margin hình thành trước đó và giờ đã lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khác
Cùng chung quan điểm ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng đà giảm mạnh của phiên 6/12 có một phần dư âm từ đà giảm quán tính trong ngày giao dịch thứ 6 tuần trước, VN-Index tiệm cận về mức trung bình 50 phiên gần nhất. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quốc tế và đặc biệt là thị trường Mỹ đã ghi nhận nhịp chỉnh mạnh từ lo ngại FED thắt chặt chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới khi mức lạm phát và tỷ lệ đã đạt kỳ vọng. Biến chủng Omicron cũng được xem là yếu tố gây lo ngại khi có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng khi nhiều nước trên thế giới đóng cửa biên giới.
Mặt khác, vấn đề margin lại được ông Nguyễn Thế Minh cho rằng là một tác nhân tương đối lớn đẩy thị trường lao dốc với việc giải chấp margin, đặc biệt là trong bối cảnh giá những cổ phiếu nhóm "đầu cơ" sau giai đoạn tăng nóng trước đó đã và đang quay đầu giảm mạnh. Có thể nhận thấy rõ điều này trong những phiên giao dịch đầu tuần trước, khi hàng loạt cổ phiếu đầu cơ rơi vào tình trạng mất thanh khoản và giảm hết biên độ. Hiện tượng giải chấp margin đã bắt đầu xuất hiện và hình thành ngay từ thời điểm đó, kéo dài đến phiên giao dịch hôm nay rồi lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khác.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Nhìn chung, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, việc chỉ số VN-Index đã giảm xuống mức thấp hơn trung bình 20 phiên gần nhất, đồng thời xuyên thủng hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ 1.450 điểm đã chính thức xác lập đà giảm trên toàn bộ các chỉ số của thị trường. Theo đó, xu hướng hiện tại của thị trường sẽ là "downtrend" ngắn hạn, khả năng cao đà giảm sẽ hướng tới những ngưỡng điểm thấp hơn trong những phiên giao dịch tới, thậm chí có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.380 - 1.400 điểm.
Nhận định về xu hướng dòng tiền trong những phiên tới, ông Nguyễn Thế Minh cho biết thông thường tại những nhịp chỉnh sâu của thị trường, dòng vốn sẽ tìm đến những cổ phiếu có mức chiết khấu lớn trong thời gian qua, hoặc là đã xác lập xu hướng giảm trong một khoảng thời gian trước đó bởi mức định giá thấp hơn. Như vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như thép hay ngân hàng sẽ có khả năng cao nhất là đích đến, mặc dù chưa xác lập đà tăng hoàn toàn. Ngoài ra, rủi ro từ tính chất đầu cơ tại một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong thời gian trước sẽ càng tăng tính hấp dẫn của các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn, an toàn hơn, mang tính chất trú ẩn nhiều hơn.