LTS: TS. Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa cho ra mắt "Báo cáo tóm tắt về Kinh nghiệm thế giới về đánh giá khu vực kinh tế chưa được quan sát và một số gợi ý với Việt Nam".
Báo cáo này tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc đánh giá, đo lường và quản lý khu vực NOE; từ đó đưa ra một số gợi ý đối với việc đánh giá, đo lường và quản lý khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non-Observed Economy – NOE) của Việt Nam.
Tại phần 1 của báo cáo, chúng tôi đã đăng nghiên cứu của nhóm tác giả về việc Thế giới đang xác định, đo lường và quản lý nền kinh tế chưa được quan sát ra sao.
Và hôm nay xin được đăng tải Phần 2: Gợi ý đối với việc đánh giá, thống kê và quản lý khu vực "kinh tế chưa được quan sát" của Việt Nam để quý độc giả cùng theo dõi.
-----------
Gợi ý đối với việc đánh giá, thống kê và quản lý khu vực "kinh tế chưa được quan sát" của Việt Nam
Ngày 01/02/2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án thống kê khu vực NOE. Mục tiêu đề ra của đề án nhằm: (a) Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực NOE nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; b) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; c) Góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.
Theo đó, khu vực NOE dự kiến được phân thành 5 nhóm hoạt động gồm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình, và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Các phương pháp dự kiến được sử dụng gồm: phương pháp thống kê trực tiếp, phương pháp gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô (đối với việc đo lường hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp) và phương pháp sản xuất (đối với việc cập nhất kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực NOE khi biên soạn các chỉ tiêu tài khoản quốc gia).
Tương tự các nước trên thế giới, theo đánh giá của Tổng cục thống kê, việc đánh giá, đo lường, thống kê và kiểm soát khu vực NOE của Việt Nam là một thách thức lớn đối với ngành thống kê. Thí dụ, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc do Tổng cục Thống kê công bố năm 2017 thấp hơn số liệu của Trung Quốc công bố là 26,2 tỷ USD cho thấy các hoạt động buôn bán tiểu ngạch qua biên giới Việt – Trung không hề nhỏ. Theo kết quả điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục thống kê, có hơn 5.144 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, được xếp vào dạng kinh tế phi chính thức. Trong đó, có 581.700 hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế, doanh nghiệp sử dụng hệ thống hai sổ sách hoặc các hoạt động kinh tế không có đăng ký về mặt pháp lý không được tổng hợp trong hệ thống các chỉ tiêu chính thức của nền kinh tế thì người lao động trong khu vực này không được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ trong hệ thống phúc lợi xã hội (bảo hiểm, thai sản..); các hoạt động đánh bạc, hoạt động mại dâm, hoạt động tín dụng đen đang mang đến hệ lụy không nhỏ về cả kinh tế và xã hội. Như trên đã nêu, quy mô của khu vực NOE tại Việt Nam năm 2015 tương đương 14,78% GDP. Thực tế, quy mô này có thể lớn hơn nhiều.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và qua phân tích nêu trên, nhóm tác giả xin gợi ý một số nội dung để thực hiện hiệu quả việc đánh giá, đo lường và quản lý khu vực NOE của Việt Nam như dưới đây.
Thứ nhất, cần định nghĩa và phân loại các nhóm hoạt động khu vực NOE phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bối cảnh của Việt Nam. Việc nghiên cứu, đánh giá và ước lượng quy mô khu vực NOE là cần thiết nhằm cung cấp thông tin chính xác về nền kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và hỗ trợ hoạch định cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Theo đó, cần định nghĩa và phân loại các nhóm hoạt động khu vực NOE phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, xem xét việc đo lường các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp trong quan sát quy mô khu vực NOE. Hiện nay, các nghiên cứu của WB và IMF không đưa kinh tế bất hợp pháp, tội phạm vào khu vực NOE, nhưng một số nước EU đã đưa khu vực kinh tế bất hợp pháp vào tính toán GDP thực. Việt Nam nên theo cách tiếp cận của WB và IMF.
Thứ hai, lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp với mỗi loại hình hoạt động của khu vực NOE. Căn cứ vào định nghĩa và phân loại khu vực NOE, lựa chọn phương pháp, mô hình đánh giá khu vực NOE phù hợp với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam và từng lĩnh vực hoạt động của khu vực NOE, so sánh kết quả giữa các phương pháp, mô hình để sai số ở mức tối thiểu, đồng thời tham khảo, so sánh với các kết quả nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức quốc tế như IMF, WB. Theo đó, để đo lường quy mô khu vực NOE, Việt Nam có thể sử dụng phương pháp mô hình MIMIC hiện đang được IMF và WB sử dụng do kết quả của phương pháp này có kết quả khá sát với số liệu của các cơ quan thông kê, đồng thời phối hợp với phương pháp khảo sát trực tiếp hoặc đo lường gián tiếp. Các phương pháp khác như phương pháp đầu vào vật lý hay phương pháp cầu tiền tệ… khá phức tạp để đo lường và áp dụng. Kết quả đo lường từ các phương pháp khác nhau cần so sánh, đánh giá kết quả; từ đó lựa chọn phương pháp đo lường phù hợp và kết quả đo lường cần được cập nhật hàng năm.
Thứ ba, phân tích các nguyên nhân, yếu tố tác động đến sự phát triển của khu vực NOE như gánh nặng thuế, chi phí an sinh xã hội, đạo đức thuế, hiệu quả của thể chế, mức độ tham nhũng, các quy định (về lao động, về hải quan, thanh toán không dùng tiền mặt..), chất lượng dịch vụ công, mức độ phát triển của nền kinh tế…; từ đó đưa ra các chính sách, định hướng và giải pháp nhằm kiểm soát và quản lý khu vực NOE.
Thứ tư, cân nhắc phương án đưa kết quả đo lường khu vực NOE (không bao gồm khu vực kinh tế bất hợp pháp) vào GDP nhằm phản ánh đầy đủ quy mô nền kinh tế thực, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp quản lý và phát triển nền kinh tế hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc xác định, lựa chọn các hoạt động khu vực NOE phù hợp để thu thuế là khá phức tạp, trong khi việc đưa khu vực NOE vào GDP sẽ làm tăng quy mô nền kinh tế, từ đó các giới hạn như tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP, nợ công/GDP sẽ nới rộng, gây rủi ro trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế. Khi đó, cần sử dụng các tỷ lệ có so với GDP (như bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài….) cần điều chỉnh ngưỡng và có lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn cả là từ đó, cần có giải pháp kiểm soát, quản lý khu vực NOE cũng như phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả hơn.
Thứ năm, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả gợi ý một số cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý khu vực NOE tại Việt Nam như sau:
(i) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, để khuyến khích họ tham gia vào khu vực kinh tế chính thức nhiều hơn.
(ii) Xây dựng và nhất quán thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp dài hạn nhằm tạo điều kiện để các chủ thể đang kinh doanh không chính thức chuyển đổi sang kinh doanh chính thức. Theo đó, đối với các hộ kinh doanh cá thể, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ không thể là bắt buộc; mà thay vào đó, cần đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi; có chính sách ưu đãi về thuế; đơn giản hóa qui định về sổ sách kế toán; cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn để họ có thể vận hành doanh nghiệp suôn sẻ…v.v.
(iii) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ đối với thủ tục đăng ký, nộp và quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi đối với người nộp thuế; tăng cường củng cố các chuẩn mực xã hội về tính tuân thủ nộp thuế và siết chặt kiểm soát và nâng cao mức xử phạt hành vi trốn thuế (gồm cả hành vi chuyển giá) và lợi ích nhóm trong thu thuế, tạo tính công bằng hơn trong nghĩa vụ thuế và nộp thuế.
(iv) Tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện Đề án 2545 (năm 2016) của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công (gồm cả công tác thuế); triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán số mới (như ngân hàng số, Fintech, ví điện tử…); ban hành và nhất quán áp dụng hạn mức được thanh toán bằng tiền mặt (thí dụ 20 triệu đồng) cũng với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt (như miễn phí giao dịch có thời hạn đối với giao dịch giá trị nhỏ); có giải pháp cụ thể nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với thanh toán số (ưu tiên nâng cấp hạ tầng công nghệ thanh toán, quan tâm an ninh mạng, giải quyết nhanh khi sự cố xảy ra…).
(v) Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các hoạt động thuộc khu vực NOE thông qua các hoạt động tuyền truyền, giáo dục, minh bạch về các quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vào khu vực chính thức; tăng cường giáo dục tài chính, hướng dẫn người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt…v.v.
(vi) Triển khai các biện pháp chế tài mạnh đối với các hoạt động kinh tế bất hợp pháp; theo đó, cần hoàn thiện các quy định về xử phạt hành chính phù hợp hơn, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động bất hợp pháp; tăng cường chia sẻ thông tin thống kê khu vực NOE giữa các bộ ngành, địa phương; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, kiểm soát hoạt động phi pháp, buôn lậu, rửa tiền, tài trợ khủng bố…v.v.