Việc di chuyển và đi lại ở Hà Nội còn thoải mái hơn New York
Sáng ngày 10/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức và chủ trì Hội thảo chuyên đề số 3 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề "Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Tại buổi hội thảo, chuyên gia đến từ Viện Kỹ thuật và Công nghệ Hàn Quốc, TS. Baik Nam Cheol đã đưa ra một khái niệm về việc đổi mới công nghệ trong kỷ nguyên siêu thay đổi. Ông Cheol cho biết, tốc độ đô thị hóa trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng nhanh chóng.
"Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam trong vòng 20 năm tới sẽ cao hơn rất nhiều so với mức 37,5% vào năm 2018", TS. Baik Nam Cheol nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, yếu tố đầu tiên cần phải nhắc đến khi đề cập đến thành phố thông minh đó là công nghệ, và việc quy hoạch đô thị phù hợp với công nghệ. Theo đó, quá trình quy hoạch đô thị ngày càng tăng đồng nghĩa với việc người dân có thể sẽ sống chung với công nghệ trong một thành phố.
"Dù công nghệ có phát triển thế nào cũng phải hướng tới mục tiêu phục vụ con người, dựa trên những yếu tố thân thiện với môi trường và con người", TS. Baik Nam Cheol nói.
Ông chia sẻ, khi nói về cơ sở hạ tầng ở thành phố thông minh, mọi người sẽ thường nghĩ đến New York (Mỹ). Bởi lẽ nơi đây có đủ cơ sở hạ tầng và mọi điều kiện để xây dựng một thành phố thông minh. Tuy nhiên, vấn đề của thành phố này đó là việc đi lại và di chuyển.
"Sự thật là, mọi người sẽ cảm thấy không thoải mái khi chi chuyển bằng tàu điện ngầm ở New York", ông Baik Nam Cheol cho hay.
"Việc di chuyển và đi lại ở Hà Nội còn thoải mái hơn New York rất nhiều", ông nói thêm.
Trong khi đó, ở Ấn Độ, 78% lượng nước thải ở đây vẫn chưa được qua xử lý trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Cho nên, một trong những yêu cầu hàng đầu của Ấn Độ trong việc thiết kế đô thị thông minh đó là hệ thống xử lý nước thải.
4 trụ cột của quy hoạch đô thị thông minh
Do đó, vị chuyên gia nhận định, việc phát triển cơ sở hạ tầng mới cần phải song hành cùng và kết hợp với việc xây dựng thành phố mới. Đặc biệt, việc này cần phát triển đúng thời điểm thích hợp, khi tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh như ở Việt Nam hiện tại.
Và để có thể xây dựng được một đô thị thông minh một cách hiệu quả, chuyên gia của Viện Kỹ thuật và Công nghệ Hàn Quốc đã đưa ra những trụ cột của quy hoạch thành phố thông minh.
Trụ cột thứ nhất của quy hoạch thành phố thông minh là khả năng thích ứng và chống chịu. Trụ cột thứ hai là sự kết hợp của 3 yếu tố ESG, bao gồm: môi trường (environmental), xã hội (social) và quản lý nhà nước (governance). Trụ cột thứ ba của Quy hoạch đô thị là đẩy mạnh việc di chuyển bằng các phương tiện thân thiện với môi trường.
Trụ cột tiếp theo đó là phát triển khu vực đa chức năng và cộng đồng có thu nhập hỗn hợp. Ví dụ, ở Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà dưỡng lão… Đặc biệt, trụ cột quan trọng nhất cần phải được chú ý đó là việc xây dựng một tầm nhìn chung về các thành phố.
TS. Baik Nam Cheol khẳng định, tương lai của các đô thị thông minh Việt Nam vô cùng triển vọng vì 2 lý do. Một là, những người trẻ ở Việt Nam hiểu về bản chất những gì một thành phố thông minh cần có.
Thứ hai, hệ thống sinh thái Việt Nam trong thành phố thông minh cho phép mọi người kết nối các địa điểm, hình thành các cộng đồng kinh tế, chính trị xã hội mà trước đây chưa có.
"Hệ sinh thái kinh doanh ở Việt Nam có thể là tác động lớn nhất đến một số quốc gia lân cận. Đồng thời, hệ sinh thái này sẽ là cơ hội để Việt Nam xây dựng và phát triển các loại hình cộng đồng thông minh, hay thành phố thông minh", TS. Baik Nam Cheol nhấn mạnh.