Cuối năm 2017, Oumuamua bay qua hệ mặt trời. Thiên thạch hình điếu xì gà màu đỏ, di chuyển với tốc độ cao và quỹ đạo bất thường không có nguồn gốc từ Thái dương hệ. Thiên thạch này gây chú ý bởi bề mặt rộng tương đương một sân đá bóng có độ phẳng đáng kinh ngạc. Tốc độ và quỹ đạo của nó khác hoàn toàn với các tiểu hành tinh và sao chổi bay qua hệ mặt trời.
Hiện tại, một nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đại học Harvard nghi ngờ Oumuamua là một tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh. Trong một báo cáo sẽ được công bố ngày 12/11 trên tờ The Astrophysical Journal Letters, nhóm nhà khoa học khẳng định Oumuamua có thể là một "đối tượng" có kiểm soát, có thể ghé qua để do thám trái đất bởi một nền văn minh ngoài vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu không khẳng định người ngoài hành tinh đưa Oumuamua đến. Sau khi phân tích cẩn thận các số liệu, họ có nhiều chứng cứ để tin rằng không phải vật thể có nguồn gốc tự nhiên. Vật thể này màu đỏ sẫm với chiều dài lớn gấp 10 lần chiều rộng, di chuyển với vận tốc 313.600 km/h. Việc nó tăng tốc để thoát khỏi hệ mặt trời được xem là lý do dẫn đến kết luận về nguồn gốc của Oumuamua trong báo cáo của nhóm nghiên cứu thiên văn trường Harvad.
Giáo sư Avi Loeb, chủ tịch phòng thiên văn học Harvard, là tác giả của báo cáo. Ông Loeb cho rằng: "Không thể đoán được mục đích đằng sau Oumuamua khi có quá ít dữ liệu. Tuy nhiên, nếu có nguồn gốc nhân tạo, Oumuamua dường như là vật thể trôi vô định trong không gian hoặc có thể là mảnh vụn từ một thiết bị công nghệ tiên tiến. Nó hoạt động nhờ năng lượng từ bức xạ mặt trời".
Shmuel Bialy, đồng tác giả báo cáo, người đang học sau tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian, cũng nói về những thiết bị bay tương tự mà con người đã phóng vào không gian. Tuy nhiên, tốc độ và quỹ đạo bất thường cho thấy thiết bị này đã không còn hoạt động.
Oumuamua được xác định là một trong những vật thể đầu tiên đi qua Thái Dương hệ mà không có nguồn gốc từ đây. Ban đầu, các nhà thiên văn học nhầm nó với một sao chổi nhưng việc không có đuôi, hình dạng kỳ lạ hay quỹ đạo bay khác biệt khiến người ta phải đánh giá khác về nó. Hàng loạt kinh thiên văn trên trái đất đã được hiệu chỉnh và theo dõi quỹ đạo bay của sao chổi trong 3 ngày đêm khi nó biến mất khỏi tầm quan sát.
Hàng loạt các hãng thông tấn lớn, trong đó có CNBC, CNN, NBC… đều đã đăng thông tin về nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Harvard.