Chuyên gia hiến kế giúp người chăn nuôi vượt "bão"

28/04/2020 14:30
(Dân Việt) Nhằm giúp người chăn nuôi gia cầm thoát cảnh khó khăn, có động lực duy trì chăn nuôi, tăng đàn lợn; áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng thịt và trứng gia cầm cũng như các loại thực phẩm khác…, chiều nay 28/4, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT), Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm”.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng, kết hợp với dịch cúm gia cầm và nhất là dịch Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm đến nay khiến giá các sản phẩm gia cầm sụt giảm, người dân nhiều địa phương lâm cảnh nợ nần, trong khi dự báo nhu cầu thịt và trứng gia cầm sẽ hồi phục khi dịch bệnh Covid-19 chấm dứt.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 1

Để giúp người chăn nuôi gia cầm thoát cảnh khó khăn, có động lực duy trì chăn nuôi, đồng thời thực hiện Thông báo kết luận số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng; cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn lợn hiệu quả; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng thịt và trứng gia cầm cũng như các loại thực phẩm khác. Đây cũng là mục tiêu chính của cuộc tọa đàm hôm nay.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
14.30

Khách mời tham gia buổi tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT);

- Bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT);

- Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NNPTNT TP.Hà Nội);

- Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
14.40

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 4

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi báo cáo về tình hình chăn nuôi gia súc gia cầm thời gian qua:

Năm 2019 là năm cực kỳ khó khăn của ngành chăn nuôi, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019 khiến sản lượng thịt lợn giảm rất mạnh. Trước khi xảy ra dịch, thịt lợn (heo) vẫn chiếm thị phần nhiều nhất trong cơ cấu thịt tiêu thụ ở nước ta, chiếm hơn 60%, trong khi gia cầm khoảng 25%, còn lại là các sản phẩm khác từ 9-10%.

Năm 2019, ngoài sản lượng thịt lợn giảm do phải tiêu hủy vì dịch thì chăn nuôi gia cầm tăng 16,5% về sản lượng thịt và 14% về sản lượng trứng, thịt trâu bò tăng khoảng 14%. Ngay trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ NN&PTNT cũng đã có rất nhiều quyết sách thông qua các hội nghị nhằm đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, một phần bù lại sản lượng thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi; đồng thời đề xuất những mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ việc tăng đàn hợp lý nên giá gia cầm cũng có nhiều biến động, sản lượng tăng, giá cũng tăng.

Tuy nhiên, sang năm 2020, ngay từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên sản lượng gia cầm lại sụt giảm mạnh do nhu cầu giảm. Định hướng năm 2020, về mặt cơ bản, cố gắng duy trì sản lượng thịt lợn tương đương năm 2018, duy trì sản lượng gia cầm tăng khoảng 11%, sản lượng trứng tăng khoảng 10%. Đặc biệt, Bộ cũng quan tâm và đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đẩy mạnh chăn nuôi giống gia cầm nội địa, các loại giống có chất lượng cao. 

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
14.50

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 6

Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội chia sẻ về những khó khăn trong việc tiêu thụ gia cầm, bình ổn giá thịt lợn: 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá gia cầm giảm sâu trong thời gian qua. Thứ nhất, là do trong năm 2019 khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi nhiều trang trại, nông hộ bị thiệt hại phải tiêu hủy đàn lợn và nhiều bà con đã chuyển sang chăn nuôi gà làm cho sản phẩm gà, vịt tăng cao đột biến.

Thứ 2 là do cộng hưởng của Nghị định 100 (ngăn cấm sử dụng rượu bia khi lái xe) làm cho các hàng, quán vắng khách tiêu dùng (phần lớn trong các nhà hàng, quán bia, hàng ăn tiêu thụ nhiều gà, vịt, ngan) khiến nhu cầu giảm.

Thứ 3 là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã giáng thêm một đòn nữa vào các mặt hàng nông sản, nhất là gia cầm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi nói riêng và chế biến các sản phẩm nông sản nói chung.

Tuy nhiên, sau một vài tháng đến giờ giá gà, vịt, trứng phục hồi dần. Chính vì thế mà chúng ta không phải quá hốt hoảng vì giá gia cầm tăng hay giảm. Đây là xu hướng bình thường và theo quy luật cung cầu. Dần dần khu vực chăn nuôi sẽ tự điều tiết cân bằng và mọi thứ sẽ đâu vào đấy nên mọi người không nên lo lắng.

Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất chế biến thịt lợn, từ đầu năm 2020 đến giờ giá lợn rất cao. Trong bối cảnh toàn đất nước cùng nhau đoàn kết để phòng dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương kêu gọi để đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Tôi nghĩ việc kéo giá lợn xuống rất là nhân văn, tốt cho xã hội. Các doanh nghiệp nên và đã, đang đồng hành ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến giúp cho giá sản phẩm này đang giảm dần.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
14.55

Song song với các chỉ đạo mang tính chất mệnh lệnh hành chính, Bộ NNPTNT, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh thông tin về thực phẩm và các lợi ích của sản phẩm gà, vịt, trứng, cá, hải sản. Chúng ta cứ tuyên tuyền và giúp người dân dần dần thay đổi thói quen.

Thứ 2 về phía cơ quan nhà nước vào lúc này phải có thống kê chính xác hơn, kịp thời hơn về con số dự báo, định hướng được công khai, minh bạch để tránh tình trạng mất cân đối về cung cầu. Ví dụ, đàn lợn nên chăng cơ quan quản lý nhà nước phải có số liệu sát với thực tế để các cơ quan truyền thông có chiến dịch truyền thông dự bị, sẵn sàng tâm lý, chấp nhận theo tăng đàn.

Khi chúng ta có số liệu chuẩn sẽ giúp cho các điều hành, điều tiết, chỉ đạo cũng như các chính sách của nhà nước đưa ra hiệu quả hơn, giúp người nuôi, người tiêu dùng được hưởng lợi hơn.

Muốn thúc đẩy được chăn nuôi chúng ta phải tái đàn thật tốt. Với việc tiêu thụ thật tốt thì chúng ta phải phát triển các khâu đi sau như công nghệ chế biến. Đặc biệt, để các hộ gia đình, các báo đài phải đưa tin nhiều về cách chế biến món ăn từ gà, vịt, ngan, hướng dẫn cách nấu, chế biến nhiều thực đơn, nhiều món ăn từ gia cầm. 

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.00

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 9

Bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) trao đổi về xu hướng chuyển từ thịt lợn sang thịt gia cầm trong bữa ăn của người Việt: 

Hôm nay, mục đích làm sao tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân để có thể thay đổi cơ cấu gói thực phẩm trong bữa ăn. Đấy là lý do chúng tôi thấy rất cần thiết.

Hiện nay, nhiều chỉ số của các chuyên gia dinh dưỡng, thực tế trong 100 gam thịt lợn, có 18-19 gam protein; trong 100 gam thịt bò cũng có 18-20 gam protein, trong thịt gà cũng vậy, tức là lượng tương đương như nhau nhưng người Việt Nam quen sử dụng thịt lợn nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng có thể chuyển một số phần nhu cầu thịt lợn sang sản phẩm khác như thịt bò, gà, cá, tôm hay đậu, hạt ngũ cốc… Đấy là mục đích làm sao người tiêu dùng chuyển đổi trong cơ cấu thực phẩm.

Thứ hai, chăn nuôi có nhiều tác động ngoài vấn đề thị trường, vừa qua dịch tả lợn Châu Phi làm cho cơ cấu đàn giống ảnh hưởng.

Thứ ba, với việc khuyến cáo cho người dân và các giải pháp chăn nuôi hiện nay đang giúp bình ổn giá, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể thay đổi. Thực tế hiện nay, với các cơ sở giết mổ chăn nuôi gia cầm rất linh hoạt trong việc cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Trước đây, chúng ta nghĩ mua con gà về phải chế biến rất khó, nhưng hiện nay, các nhà cung cấp gà làm sẵn, cắt đôi, cắt tư để các gia đình sử dụng tiện.

Bản thân tôi, với phụ nữ trong gia đình, tôi cũng chọn sản phẩm thịt gà khi giá cả chấp nhận được, việc chế biến cũng thuận lợi và đa dạng cách chế biến. Vì thế, tôi nghĩ sản phẩm thịt gà hay thịt bò cũng là tốt, bên cạnh sản phẩm thịt lợn của chúng ta.

Cái đó cũng là mục đích khuyến cáo người dân tăng sử dụng thịt gà, không những đủ dinh dưỡng cho gia đình mà một phần hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm yên tâm. 

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.10

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 11

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi  - Thú y Hà Nội nói về giải pháp thúc đẩy chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gia cầm: 

Để thúc đẩy việc tiêu thụ đàn gia cầm theo tôi việc đầu tiên vẫn phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ như các sản phẩm gà bản địa như gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì vẫn có giá thành cao hơn gà công nghiệp.

Thứ 2 truyền thông cần tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng đa dạng các sản phẩm thịt gà, cá, thịt, thay đổi thói quen hay dùng thịt lợn như hiện nay.

Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội bổ sung: Muốn thúc đẩy chăn nuôi thì phải tiêu thụ tốt. Theo đó, phải phát triển về công nghệ kỹ thuật chế biến. 

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.15

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 13

Ngành chăn nuôi định hướng sẽ tăng thịt gà trong cơ cấu thực phẩm. Ảnh: I.T

Ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ về sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu và định hướng phát triển đàn gia cầm của ngành chăn nuôi:

Hiện nay, việc nhập khẩu các sản phẩm thịt gà không ảnh hưởng đến giá gà trong nước, năm 2019, chún ta nhập 144.000 tấn thịt gia cầm, quý 1 năm 2020 nhập khoảng 40.000 tấn, tăng khoảng 36%, chủ yếu là nhập thịt đùi, còn cơ bản là các sản phẩm phụ.

Đối với các nước khác thì thịt đùi không phải là thịt chính, vì họ chỉ ăn thịt ức nên giá thịt đùi nhập về rất rẻ, tương đương với giá gà công nghiệp trong nước. Vì người Việt Nam thích ăn thịt gà đùi nên các doanh nghiệp mới nhập về nhiều. So với sản lượng thịt gà trong nước thì thịt nhập không đáng kể và cũng không ảnh hưởng tới giá gà trong nước.

Song song với việc nhập khẩu thì chúng ta vẫn có sản phẩm thịt gà xuất khẩu. Nghĩa là chúng ta vẫn có thị trường. Tất cả đều phụ thuộc vào sự điều phối của thị trường, thị trường nào có nhu cầu thì các doanh nghiệp đáp ứng. Nói đâu xa, nếu sản phẩm của chúng ta tốt thì ngay cả thị trường trong nước cũng đang là thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, nên chúng ta hoàn toàn tự tin là có thể đáp ứng được mọi nhu cầu xuất khẩu của tất cả các thị trường.

Định hướng chiến lược chăn nuôi năm 2020 là tất cả các mô hình chăn nuôi phải vào khuôn khổ, phải làm theo chuỗi, phục vụ cho mọi đối tượng. Cơ cấu cũng phải đi theo xu hướng của thế giới, hiện thị phần của thịt lợn vẫn khá cao, do đó, chúng ta cần giảm thị phần thịt lợn xuống theo lộ trình, cố gắng đến năm 2030 thịt lợn giảm xuống dưới 60%, thịt gia cầm tăng khoảng 28%.

Muốn như vậy, chúng ta phải thay đổi tập quán, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ thịt. Do vậy, cơ cấu muốn khả thi phải phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Theo tôi, muốn làm được điều này phải đẩy mạnh tuyên truyền, cần phải hiểu giá trị dinh dưỡng từ thịt gia cầm cũng không hề kém cạnh thịt lợn.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.20

Ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ về các giống gia cầm tiềm năng có thể phát triển chăn nuôi: 

Hiện nay, ở Bắc Giang đã có nhiều dòng gà phục vụ thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng như gà phục vụ đám cưới, gà, vịt phục vụ bữa ăn hàng ngày... Chúng ta cũng có trên 50 dòng gà nội có chất lượng tốt như gà Tiên Yên, gà Ri, gà mía Sơn Tây...

Tuy nhiên, các loại gà này vẫn chưa đáp ứng được hết thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, năm 2018, Bộ NNPTNT đã triển khai đề tài chọn, tạo ra gà chất lượng cao cấp Bộ. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chọn, tạo nghiên cứu đưa gà ngoại về lai tạo với gà ngoại để tạo ra từ 6- 8 dòng gà có chất lượng cao phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng.

Trong đó, có loại gà trên dưới 1,5kg/con, hoặc gà to trên 3-4kg/con, đảm bảo phục vụ đa dạng thị hiếu của thị trường, người dân tiêu dùng cả nước.

Đơn cử như Công ty sản xuất giống gà Minh Dư, một doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi gà lớn ở Việt Nam, trung bình 1 năm doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường 60 triệu con. Hiện, công suất sản xuất đã được nâng cấp lên 100 triệu con và xuất khẩu ra nhiều thị trường Đông Nam Á. Đặc biệt, các loại gà của doanh nghiệp này đều được nghiên cứu, chọn tạo ra các dòng gà rất phù hợp với thị hiếu của các tỉnh, vùng miền Bắc - Trung - Nam.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.25

Chia sẻ về những nghiên cứu các loại giống gia cầm phù hợp với khâu chế biến, bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết:

Trung tâm Khuyến nông quốc gia làm nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi các giống gia cầm. Hiện nay có nhiều giống gia cầm được đưa vào các cơ sở chăn nuôi như gà Ri, gà chọi, gà Hồ, gà Mía, gà Đông Tảo...

Hiện nay, việc chuyển giao giống đối với con gà Ri lai khá phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, gà chọi lai, mía lai cũng được các cơ sở chăn nuôi đánh giá tốt và người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra, trước đây, Trung tâm đưa giống vịt biển vào vùng hạn mặn được bà con đánh giá cao.

Hiện nay, quy mô chăn nuôi phụ thuộc vào rất nhiều thị trường tiêu thụ. Theo đó, cần có định hướng về nhu cầu dinh dưỡng, chăn nuôi an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc là vấn đề quan trọng.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.30

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 17

Hà Nội có đàn gia cầm lớn nhất cả nước. Ảnh: I.T

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Nội nói thêm về chất lượng đàn gia cầm của Hà Nội: 

Thực tế, chăn nuôi hiện nay quan trọng nhất chất lượng giống; sau đó điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Gà nuôi đúng quy trình, vài ba tháng chất lượng khác hẳn.

Tại Hà Nội, đàn gia cầm đang đứng đầu toàn quốc với 33-35 triệu con. Đàn lợn chỉ sau Đồng Nai với số lượng 1,8 triệu con trước khi có dịch tả lợn Châu Phi, hiện nay là 1,1 triệu con. Đàn trâu, đàn bò thịt của Hà Nội nổi tiếng cả nước, nhiều nơi đến thăm, đó là đàn bò 3BBB…

Năm 2004, Hà Nội thực hiện chính sách Sind hóa đàn bò, hỗ trợ giống bằng thụ tinh nhân tạo. Cùng với đó, Hà Nội có mạng lưới cơ sở an toàn dịch bệnh tốt nên dù chăn nuôi lớn, nhưng dịch bệnh không xảy ra. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn, tiêu hủy 29% tổng đàn, riêng đàn lợn nái trên 40%. Trước khi xảy ra dịch, Hà Nội có 167.000 con, nay tăng đàn, tái đàn đạt 130.000 con.

Về chính sách, Bộ NN&PTNT quan tâm đến Hà Nội khi tập trung phát triển 2 con nuôi chủ lực là lợn, bò thịt nhằm đảm bảo tăng trưởng nhanh. Trong quý 1 tăng trưởng nông nghiệp giảm 1,17% trong khi kế hoạch đang đặt ra tăng 4%, trong đó chăn nuôi 6-7%.

Hiện nay, Hà Nội có chính sách tập trung phát triển đàn giống, trong đó giữ lại bò giống, lợn nái, bê thịt. Các đơn vị sản xuất giống trên địa bàn ưu tiên bán giống tại Hà Nội, hỗ trợ vay vốn ngân hàng… nhằm phấn đấu cuối năm đàn lợn đạt 1,8 triệu con, bằng trước thời điểm dịch tả lợn xảy ra.

Về lâu dài, Hà Nội chủ trương xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ. 

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.35

Trả lời câu hỏi của bà Nguyễn Thị Minh, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) về chăn nuôi an toàn sinh học, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: 

Mấy năm trước Bộ NNPTNT đã có văn bản 14065, 14015 hướng dẫn về việc áp dụng chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học cho bà con thực hiện hiệu quả.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản 5329 tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn. Theo đó, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học lần này tổng thể hơn như về an toàn sinh học trong khâu giống, thức ăn, chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng...

Mới đây, Bộ cũng đã phối hợp với FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc) xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội... rất hiệu quả.

Trong các vật nuôi được áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì con vịt khó áp dụng nhất vì vịt là thủy cầm, vịt hướng trứng. Theo đó, Bộ đã hướng dẫn có 5 phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, cụ thể, có 2 phương thức về chăn nuôi vịt dưới nước, chạy đồng và thả đồng; 3 phương thức an toàn sinh học nuôi nhốt trên khô gồm nuôi vịt trong chuồng kín, nuô vịt trong chuồng có sân chơi và chuồng có vườn cây.

Quan trọng nhất lúc này là các nông hộ rất khó áp dụng, vì bà con chăn nuôi nhỏ, lẻ manh mún. Năm 2019, khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi các nông hộ bị thiệt hại là chính.

Tôi phải khẳng định là, đến một lúc nào đó chúng ta áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học thì không phải tiêm vắc xin. Ví dụ, vừa qua đã có 1 doanh nghiệp ở Bình Dương xin phép Bộ không tiêm vắc xin cho vật nuôi vì họ đã chăn nuôi an toàn sinh học rất hiệu quả.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.40

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 20

Một mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của nông dân ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: I.T

Bà Hạ Thúy Hạnh tiếp tục trả lời về chăn nuôi an toàn sinh học:

Vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) đã được Bộ NNPTNT xây dựng chương trình triển khai từ rất lâu. Theo đó, chăn nuôi ATSH gồm 3 khâu. Thứ nhất: Cách ly, kiểm soát ra vào khu chăn nuôi. Thứ hai: Khâu làm sạch vệ sinh chuồng trại, thú y. Thứ ba: Khử trùng chuồng trại phải thực hiện theo hướng dẫn.

Đối với các hộ chưa có điều kiện chăn nuôi ATSH nếu thực hiện chưa tốt sẽ làm ảnh hưởng đến khu trang trại, gia trại xung quanh. Nếu làm tốt được việc này sẽ hạn chế, giảm được mầm bệnh. 

Chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi phải áp dụng chăn nuôi ATSH đối với gà, vịt. Phải làm tốt các khâu cách ly, khử trùng, chăn nuôi có kiểm soát. Chúng tôi khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn, gia cầm cần phải áp dụng chặt chẽ các khâu chăn nuôi ATSH. Nếu không làm tốt dịch cúm gia cầm quay trở lại sẽ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi cũng như các trang trại, gia trại xung quanh. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có ba bộ tài liệu chăn nuôi ATSH cho các đối tượng chăn nuôi gia cầm hiện nay.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.45

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nói về vai trò quan trọng của việc vệ sinh an toàn phòng dịch trong chăn nuôi:

Theo tôi có mấy yếu tố cần thiết đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch như sau: Thứ nhất, làm thế nào chuồng trại phải sạch, nhiều bà con chủ quan cứ nghĩ đã làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại bằng cách rắc vôi, khử trùng nhưng hoàn toàn sai lầm vì không làm sạch chuồng trại thì bất cứ khâu khử trùng nào cũng trở nên vô nghĩa.

Thứ hai là người chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng vắc-xin. Tiêm đúng liều, định kỳ, thường xuyên chứ không đợi dịch bùng phát mới rục rịch tiêm thì lúc đó khả năng phòng dịch đã giảm đi rất nhiều.

Thứ ba, phải xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vì nếu trong vùng dịch mà anh có chứng nhận cơ sở an toàn dịch thì sản phẩm của anh vẫn xuất bán bình thường mà không cần lo lắng. Đây chính là mấu chốt của việc đảm bảo an toàn sinh học và chăn nuôi bền vững.

Thứ tư, phải khai báo kịp thời vấn đề vệ sinh thú y với cán bộ thú y. Đây là cơ sở để cán bộ thú y lập kế hoạch theo dõi, vừa thuận tiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm gia cầm.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
15.50

Một độc giả tên Nguyễn Thị Yên- Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đặt câu hỏi: Dấm gỗ sinh học có thể sử dụng trong chăn nuôi được không?, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: 

Trong hướng dẫn an toàn sinh học của Bộ NNPTNT cũng đã khẳng định cần phải phối hợp với các chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi, tăng chất lượng của sản phẩm thịt. Tuy nhiên, tôi cần phải khẳng định lại là bất cứ chế phẩm nào khi đưa vào thức ăn chăn nuôi đều phải có trong danh mục được ban hành, được sử dụng.

Vấn đề này cũng đã được ghi rõ trong Nghị định 13 cũng như Thông tư 21 về quản lý thức ăn chăn nuôi, đó là nếu những thức ăn đưa vào mà chưa có trong danh mục thì cần khảo nghiệm một thời gian mới đưa vào đại trà.

Tôi chưa nghe đến tên chế phẩm này bao giờ nhưng tôi sẽ hỏi lại Phòng Thức ăn chăn nuôi để trao đổi cụ thể về các chế phẩm cũng như các chất kháng sinh có thể đưa vào thức ăn. Vì nó liên quan đến an toàn thực phẩm và tồn dư còn lại trong thịt trứng, gia cầm. Bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với tôi hoặc tôi có thể cung cấp liên hệ với Phòng Thức ăn chăn nuôi để bạn trao đổi cụ thể.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
16.00

Bạn đọc Dương Văn Chí ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về quy trình chăn nuôi VietGAP, ông Nguyễn Văn Trọng trả lời: 

Người dân thường hay quan tâm tôi thực hiện cái này, cái kia, thực hiện VietGAP, thực hành chăn nuôi tốt thì có bán được giá cao hơn không mà lại không quan tâm là khi sử dụng các biện pháp này thì chất lượng thịt tăng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, lượng thức ăn giảm mà sản lượng vẫn tăng... đó chính là những lợi ích đầu tiên mà bà con nên lưu tâm.

Thế nên thời gian gần đây, Bộ NNPTNT đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai một loạt các mô hình an toàn sinh học trong nuôi gia cầm và kết quả đã tăng hiệu quả, ví dụ chỉ một hành động nhỏ là xông trứng thôi thì đã tăng khả năng ấp nở thành công cao hơn rất nhiều. Đó là những thứ mà người chăn nuôi không nhìn thấy hoặc chưa nhận ra khi triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Vì những lý do trên tôi khuyên bà con nên ứng dụng các chương trình thực hành an toàn trong chăn nuôi. Bởi nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải truy xuất được nguồn gốc, mà muốn truy xuất nguồn gốc phải có quy trình thực hành an toàn, phải có mã định danh quốc gia cho các sản phẩm gia cầm... Tất cả những điều đó chỉ có được khi áp dụng các chương trình thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Ngoài ra, muốn sản xuất bền vững thì cần phải có các chi hội, tổ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đó chính là sản xuất theo chuỗi. Trong chuỗi thì vấn đề liên kết của các hộ chăn nuôi phải được đặt lên hàng đầu, và không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp.

Bà con cũng cần tuân thủ nghiêm việc thực thi các cam kết tiêu thụ, không thể được giá thì bán ra ngoài, giá rẻ lại quay lại bán cho doanh nghiệp. Nếu còn giữ tư duy đó thì chắc chắn không bao giờ chúng ta thành công trong mô hình chăn nuôi an toàn bền vững.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
16.10

Ông Nguyễn Ngọc Sơn và bà Hạ Thúy Hạnh trao đổi thêm về chăn nuôi theo quy trình VietGAP:

Theo quan điểm của tôi quan trọng nhất vẫn là liên kết. Đối với các hộ chăn nuôi từ nghìn con trở lên cần chủ động thực hiện liên kết giữa hộ chăn nuôi – hộ chăn nuôi, giữa hộ chăn nuôi – doanh nghiệp để tìm đầu ra sản phẩm.

Bà Hạ Thúy Hạnh: Các trang trại chăn nuôi phải có lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi phù hợp và chủ động thực hiện liên kết trong chăn nuôi sẽ giúp giá thành chăn nuôi giảm đi, đầu ra ổn định. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai xây dựng rất nhiều mô hình chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi an toàn sinh học và VietGAP theo chuỗi liên kết trên gia cầm.

Các mô hình này đều khuyến cáo các hộ dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng các mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc và một số tỉnh ở miền Trung.

Bên cạnh đó, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang có chủ trương ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc, minh bạch nguồn gốc sản phẩm hiệu quả.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
16.15

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 26

Các doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với nông dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Trần Việt Dũng, chủ trang trại lợn ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội) hỏi: Hiện nay trang trại của tôi đang nuôi trên 200 con lợn, ngoài ra còn nuôi vài trăm con gà, ngan tuỳ thời điểm. Vậy làm thế nào để sản phẩm lợn, gà ngan của tôi có thể được doanh nghiệp bao tiêu, hay vào chuỗi cung ứng mà không phải phụ thuộc vào thương lái?

Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội trả lời:

Trước khi trả lời câu hỏi của anh Dũng, tôi xin đi vào câu chuyện mua giá cao hơn cho các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ở góc độ doanh nghiệp, đây là phần thưởng của doanh nghiệp đối với các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi hợp tác với các hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, bản thân các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ mối liên kết này.

Nhiều khách hàng đã đặt hàng doanh nghiệp chúng tôi với yêu cầu nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm từ các trang trại VietGAP họ sẵn sàng trả giá sản phẩm cao hơn 5%.

Đối với câu hỏi của anh Trần Việt Dũng ở Ba Vì làm thế nào để sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Theo tôi nguyên lý đầu tiên để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì nông dân phải sản xuất theo chuỗi.

Theo đó, trước hết các hộ chăn nuôi theo chuỗi phải lựa chọn con giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Phía doanh nghiệp chúng tôi lúc nào cũng đón chào các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ chăn nuôi quy mô lớn hợp tác. Đơn giản, bà con cần đầu ra ổn định thì chúng tôi cũng cần đầu vào chất lượng. Rất mong anh Trần Việt Dũng liên hệ với tôi để liên kết hợp tác.

chuyen gia hien ke giup nguoi chan nuoi vuot "bao" hinh anh 2
16.30

Phóng viên Phan Hậu - Báo Thanh niên hỏi: Hiện nguồn lợn giống đang khan, giá lợn giống quá cao, 2,7 -  3 triệu đồng/con, Cục Chăn nuôi có bình luận gì về vấn đề nay? Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã có hỗ trợ như thế nào cho người dân, doanh nghiệp nhập giống, nái ông bà, cụ kỵ?

Ông Nguyễn Văn Trọng cho hay:

Hiện giá giống lợn trong lúc này rất cao từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành hiện đàn nái còn 2,7 triệu con, 109.000 con cụ kỵ và ông bà (trước còn 4 triệu con). Giờ chúng ta vẫn giữ được đàn cụ kỵ trên 120.000 con, đây là đàn nái mấu chốt của tái đàn.

Vừa qua, sau khi kiểm soát dịch bệnh tốt, hiện có 99,3% số xã không xảy ra dịch tả lợn châu Phi trong vòng 30 ngày. Vì thế, chủ trương của Bộ và các tỉnh đang khuyến khích tái đàn để chủ động thực phẩm.

Nhưng cũng phải nói thêm là trong thời điểm tháng 5,6,7 năm 2019 cao điểm về dịch tả lợn châu Phi nhiều đàn nái tại các nông hộ đã bị tiêu hủy. Vì thế, trong các tháng tới, các cơ sở chăn nuôi nông hộ, gia trại sẽ khó khăn và khó có thể tái đàn vì thiếu con giống. Hiện đàn nái đang nằm chủ yếu ở 17 doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp này đủ điều kiện tái đàn, chiếm 17%.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp này không bán ra ngoài mà chủ yếu chỉ cung cấp cho mạng lưới của họ khiến bà con không tiếp cận và càng khó khăn hơn trong việc mua giống, tái đàn.

Mới đây Bộ NNPTNT có mời các doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh, thành đến để bàn về tái đàn. Qua đó, Bộ cam kết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bà con. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 việc vận chuyển gặp khó khăn, hiện chúng ta đã nhập 316.000 con nái, sắp tới sẽ nhập thêm 12.000 con. Có doanh nghiệp đã đăng ký nhập 2.000 con nhưng không chuyển về được vì dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vừa qua, có nhiều doanh nghiệp xin nhập 60.000 con nái và hiện Bộ đang tháo gỡ và hỗ trợ nhưng vẫn khó khăn.

Theo tôi, các doanh nghiệp nên nhập loại lợn trên 80kg để nhanh sản xuất được giống phục vụ tái đàn. Theo quan sát của tôi trong bối cảnh này thì sẽ chưa thể cung cấp được con giống ra thị trường. Hiện đàn nái ở nông hộ cơ bản không còn. Như Bắc Giang hiện đàn nái đã mất 50%. Bộ đang hỗ trợ và dùng mọi biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào giống tái đàn hiệu quả.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều câu hỏi của nông dân, doanh nghiệp về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học. Theo các đại biểu, chăn nuôi an toàn sinh học sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, để có thể ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi bền vững.

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm thịt gia cầm để rổ thực phẩm ngày càng đa dạng, phong phú.

Tin mới

Đâu là nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao?
10 giờ trước
Giá cà phê tăng cao ngay giữa vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân vẫn chưa vội bán ra vì hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng
Central Retail Việt Nam và The Garden ký kết hợp tác chiến lược
10 giờ trước
Central Retail Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại The Garden - thành viên của Bitexco Group, công bố hợp tác chiến lược cho giai đoạn 20 năm tiếp theo và mở rộng các thương hiệu lớn của Tập đoàn.
Ford Ranger, Everest đổi trang bị tại Việt Nam: Thêm tiếng Việt, bớt cảm biến, bỏ tính năng từng vượt trội đối thủ
3 giờ trước
Các dòng xe Ford Ranger và Everest tại Việt Nam từ tháng 12/2024 sẽ có giao diện tiếng Việt trên tất cả phiên bản. Bên cạnh đó, tính năng lùi chuồng tự động trên một số phiên bản của 2 dòng xe này sẽ không còn nữa.
Nga phá vỡ kỷ lục về dự trữ vàng, đạt hơn 2.300 tấn đứng thứ 5 thế giới
4 giờ trước
Nga đang đứng thứ 5 thế giới về dự trữ vàng, chỉ xếp sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp và xếp trên Trung Quốc.
Đây là xe tay ga xịn nhất của Honda: Dùng công nghệ như ô tô, 'ăn đứt' SH, giá bán ở Việt Nam gây bất ngờ
4 giờ trước
Đây được xem là mẫu xe tay ga cao cấp nhất của Honda.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Cao su

RUBBER

40.572.936 VNĐ / tấn

185.40 JPY / kg

1.54 %

- 2.90

Đường

SUGAR

11.853.571 VNĐ / tấn

21.15 UScents / lb

0.09 %

- 0.02

Cacao

COCOA

228.261.444 VNĐ / tấn

8,979.00 USD / mt

1.17 %

- 106.00

Cà phê Arabica

COFFEE ARABICA

171.784.311 VNĐ / tấn

306.51 UScents / lb

0.01 %

+ 0.03

Gạo

RICE

17.282 VNĐ / tấn

14.94 USD / CWT

1.34 %

- 0.20

Đậu nành

SOYBEANS

9.175.166 VNĐ / tấn

982.26 UScents / bu

0.35 %

- 3.49

Bột đậu nành

SOYBEAN MEAL

8.209.229 VNĐ / tấn

292.95 USD / ust

1.03 %

- 3.05

» Xem tất cả giá Nông sản

Tin cùng chuyên mục

Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
7 giờ trước
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá, với đà tăng mạnh từ hai mặt hàng cà phê.
Ukraine mang đến Việt Nam hơn 1 triệu tấn hàng mà thế giới đang khan hiếm: Nhập khẩu tăng mạnh hơn 800%, trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho nước ta
8 giờ trước
Báu vật quý này từ Ukraine đang đổ bộ Việt Nam với mức giá cực kỳ hấp dẫn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
1 ngày trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Dưa hấu mất mùa, mất giá khiến nhiều nông dân trắng tay
1 ngày trước
Tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, nông dân trồng dưa hấu đang phải đối mặt với một mùa vụ thất thu chưa từng thấy. Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, có nhiều mưa lớn đã khiến nhiều ruộng dưa hấu bị thối, dẫn đến mất mùa. Nhiều nông dân, sau khi đầu tư hàng trăm triệu đồng giờ trắng tay và phải gánh thêm khoản nợ lớn.