Pin mặt trời tuổi thọ hàng chục năm, không nên thanh lý
Theo TS Khải, Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD ở Quảng Bình, có những khu vực mới đưa vào 2 tháng đã không sử dụng được là tiếng chuông cảnh báo; bởi, có rất nhiều nơi sử dụng pin mặt trời bị hỏng, không có ai chú ý. Theo TS Khải, dù rất đau xót trước hiệu quả của dự án nhưng đứng về mặt chuyên môn, không quá khó để khắc phục. “Trước hết, những nhà chuyên môn như tôi, không phải truyền thông, người bán thiết bị, đều hiểu hết nguyên nhân từ đâu và cách sửa chữa, khôi phục, thay thế và tiếp tục sử dụng. Không phải hết dự án là thanh lý miễn phí; bởi nhôm, nhựa, kính và đặc biệt là tế bào quang điện đều có giá trị, có thể tái sử dụng. Tôi đề nghị không vội vàng thanh lý, đặc biệt không được bán tấm pin mặt trời. Không có ắc quy, pin nào vài tháng, một năm đã hỏng, kể cả dây điện”, TS Khải nói.
Chỉ tay về các thiết bị điện đang sáng trong nhà ông tại Hà Nội, TS Khải cho biết, gia đình ông đều sử dụng pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, trang bị bóng đèn led tự lắp để thắp sáng cho toàn bộ ngôi nhà. Các tấm pin được ông lắp từ những năm 1997 đến nay vẫn sử dụng rất tốt. “Các tấm pin được sử dụng hết thời gian mà nhà sản xuất đưa ra vẫn có thể tái sử dụng sang việc khác. Ví dụ, tấm pin mặt trời sử dụng đã lâu nhưng có yêu cầu công suất lớn, đòi hỏi tính đồng đều cao thì hạ xuống, dùng để thu điện cho nơi chỉ có nhu cầu thắp sáng như trồng rau, nuôi cá cho đến khi hết công suất. Đối với pin mặt trời, không có thời hạn và không có phế thải, mà sẽ dùng với mục đích khác, cho các đối tượng khác”, TS Khải nói.
Theo TS Khải, đối với Dự án điện mặt trời gần 14 triệu USD ở Quảng Bình, cơ quan chức năng cần tìm hiểu tổng thể các nguyên nhân gây ra những hậu quả xấu. Thứ hai là lựa chọn đối tượng hoặc hướng dẫn thanh niên (đặc biệt là thanh niên tình nguyện, học sinh, sinh viên) sử dụng, bảo dưỡng, thay thế hệ thống điện mặt trời và thay thế mẫu. Trong đó, thay thế những gì, sửa chữa những gì cần xây dựng cụ thể. "Tôi sẵn sàng bỏ tiền vào Quảng Bình sửa, làm mẫu một hệ thống điện mặt trời”, TS Khải nói.
Nên đào tạo cho người dân và tạo ra một lớp kỹ sư về điện mặt trời
TS Khải nhận định, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến hỏng hóc xuất phát từ việc người dân không được hướng dẫn, không biết sử dụng. Thứ hai, bộ phận thiết kế, lắp ráp cẩu thả, không có kiến thức vật lý, không có kỹ thuật lắp ráp điện mặt trời. TS. Khải phân tích: "Chỉ cần nhìn qua bức ảnh đăng trên Tiền Phong, thấy bóng người đứng bên cạnh tấm pin năng lượng mặt trời mới dài được 1/3 nhưng pin mặt trời đã bị che quá 3/4 chứng tỏ họ không biết kỹ thuật lắp đặt" - TS Khải nói.
"Nguyên nhân sâu xa là người dân không có ý thức bảo vệ vì đây là sản phẩm họ được cho, họ không mất tiền mua. N ếu hỏng hóc, người dân phải mạnh dạn báo hỏng hóc với bộ phận quản lý, nếu không xử lý được phải mời các nhà chuyên môn. Hết thời gian bào hành, người dân phải chủ động mời người sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, không ỉ lại vào nhà nước. “Ngày 3/10/2019, tôi từng đi hướng dẫn người dân lắp đặt đèn led vào hệ thống điện mặt trời. Họ cử những phụ nữ 50 tuổi đến để học. Cán bộ xã, huyện cũng không biết Ampe, Vôn là gì. Vì vậy, cần phải dậy lại cho họ những kiến thức cơ bản, cũng không quá khó khăn".
Về lâu dài, t heo TS Khải, nước ta cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, sáng tạo sử dụng pin mặt trời; đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, không để nước ngoài thu gom các tế bào quang điện vì tạo ra tế bào quang điện là vô cùng khó. "Cần xây dựng các loại giáo trình cho các loại đối tượng khác nhau. Từ nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và tái sử dụng điện mặt trời. Hiện nay, chuyên gia trong nước hoàn toàn có thể tập trung để làm được việc đó".
Theo các tài liệu quảng bá sản phẩm của các nhà sản xuất, vòng đời của một dự án điện mặt trời là 25 năm. Tuy nhiên, theo một số tài liệu nước ngoài cho thấy, dù hiệu suất sản sinh ra điện có giảm nhưng một tấm pin mặt trời có thể sử dụng tốt sau 25 năm, thậm chí 40 năm.