Kể từ 15h ngày 01/6, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tăng lên mức hơn 31.500 đồng/lít, cao kỷ lục mọi thời đại. Diễn biến này tiếp tục tác động bất lợi đến chi phí cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng tới gần 30% kéo theo hàng loạt mặt hàng chịu hiệu ứng tăng giá.
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, từ ngày 01/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, tương đương mức giảm 2.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu. Tuy nhiên, hiện mặt hàng này vẫn còn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT…
Liên quan đến giá xăng dầu hiện đang tăng rất cao, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, giá xăng dầu ở các nước chủ yếu do mức thuế, phí mà quốc gia đó áp dụng với mặt hàng này, bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới không tự chủ được mà phải nhập khẩu.
Một số quốc gia có khai thác dầu thô như Việt Nam chẳng hạn nhưng đây là hoạt động khai thác dầu thô và vẫn phải nhập xăng thành phẩm về phục vụ tiêu thụ trong nước.
"ÁP THUẾ TTĐB VỚI XĂNG DẦU LÀ KHÔNG PHÙ HỢP"
Trước những tác động của việc giá xăng dầu tăng rất "nóng", TS. Phạm Thế Anh đã đề xuất các giải pháp để giảm thiểu áp lực.
Theo Kinh tế trưởng của VESS, hiện nay, giá xăng dầu trên thế giới đang ở mức cao, do đó, giá trị tuyệt đối của thuế khi đánh vào càng lớn theo, vấn đề này cần xem xét.
"Thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đều là các sắc thuế đánh theo tỷ lệ, khi giá xăng dầu càng cao thì số thu càng lớn. Do đó, giá xăng tăng cao không chỉ do giá thế giới tăng mà còn do mức thu thuế trên mặt hàng này ngày càng lớn", ông Thế Anh nói.
Một điểm nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu cũng không phù hợp khi đây không phải mặt hàng xa xỉ. Còn việc gây ô nhiễm môi trường thì đã có thuế bảo vệ môi trường "đánh" vào mặt hàng xăng dầu.
"Vì vậy, không có lý do gì để áp dụng thuế TTĐB với xăng dầu, kể cả khi xăng 15.000 đồng/lít hay hơn 30.000 đồng/lít, nhất là trong bối cảnh cần phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như hiện nay", TS. Phạm Thế Anh phân tích.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị, ngay tại kỳ họp này, Quốc hội nên giao Uỷ ban Ngân sách của Quốc hội chủ động đưa ra vấn đề này đề bàn thảo và quyết định mà không cần chờ đề xuất từ Bộ Tài chính.
LẤY PHẦN VƯỢT THU NGÂN SÁCH ĐỂ BÌNH ỔN GIÁ
Bên cạnh đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) hiện chủ yếu vẫn hoạt động theo cơ chế "người dân trả trước" bằng cách trích lập khi giá thấp và chi sử dụng khi giá cao.
Thực chất, đây vẫn là tiền của người dân, chỉ khác là trả trước để sau đó chi ra mà chưa có kênh nào khác để bình ổn cả, TS. Thế Anh nêu vấn đề.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô và thu ngân sách từ mặt hàng này đang tăng rất mạnh do giá dầu tăng cao. Mức tăng đột biến so với kế hoạch thu ngân sách có thể trích ra để đưa vào quỹ bình ổn mà không ảnh hưởng đến dự toán ngân sách.
"Việt Nam khác với những nước như Lào hay Campuchia do họ không có mỏ dầu. Do đó, dùng phần vượt thu so với kế hoạch để phân bổ vào quỹ BOG là phương án để hỗ trợ người dân", TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận.