Chiều ngày 21/3, Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp Kênh thông tin tài chính CafeF đã tổ chức tọa đàm "Đi tìm giải pháp mở rộng tín dụng, "giải cứu" người dân khỏi tín dụng đen".
Trả lời câu hỏi làm sao để mở rộng được thị trường tín dụng nói chung, tín dụng tiêu dùng nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, các chuyên gia đã đưa ra quan điểm của họ.
Theo TS. Đỗ Hoài Linh đến từ Viện Tài chính Ngân hàng, để mở rộng tín dụng cho nền kinh tế sẽ có những giải pháp vi mô và vĩ mô nhằm giải quyết tận gốc về Cung – Cầu về vốn. Bên cạnh đó cần bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý các hoạt động tín dụng cả khu vực chính thức và phi chính thức để giảm thiểu tác động tiêu cực của những hành vi đòi nợ phản đạo đức trong thời gian vừa qua của cả các công ty tài chính và tổ chức tín dụng đen; Tổ chức lại hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo cả hướng mở rộng quy mô lẫn nâng cao chất lượng để các loại hình tổ chức này hoạt động hiệu quả và an toàn.
TS. Linh cũng kiến nghị cần nghiên cứu cho triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa khác mà các nước đã triển khai hiệu quả như công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), Trung tâm thương mại (rent to own centers) … để bảo đảm các phân khúc đa dạng của thị trường vay vốn đều được phục vụ; Sớm đưa vào quản lý các hình thức tín dụng dựa trên công nghệ như cho vay ngang hàng…
Các biện pháp này khi phát huy tác dụng sẽ làm cho hiệu quả của thị trường tổng thể của chúng ta được nâng cao, từ đó tăng khả năng tiếp cận với những nguồn vốn nước ngoài như các khoản vay dài hạn mà FE Credit đã nhận được từ các định chế quốc tế như Credit Suisse, Deutsche Bank… hay các khoản góp vốn đầu tư chiến lược như HD SAISON từ Credit Saison của Nhật Bản. Và khi khu vực tín dụng chính thức vững mạnh cả về tài chính lẫn quản trị thì việc mở rộng mạng lưới theo phương thức truyền thống cũng như phương thức công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính nói chung cũng như tín dụng nói riêng của người dân, từ đó áp lực về tín dụng đen sẽ được giảm dần.
TS. Đỗ Hoài Linh
TS. Nguyễn Trí Hiếu trong khi đó cho rằng để mở rộng thị trường tín dụng thì phải đi từ căn bản là người đi vay. "Chúng ta đã nói nhiều đến chính sách, hệ thống ngân hàng trong khi cốt lõi ở người đi vay, có nhu cầu vay là trọng tâm".
Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta cần phải có sự giáo dục tài chính cho quần chúng chặt chẽ hơn nữa. Người có khả năng vay tiền hay không có khả năng đều phải có kế hoạch tài chính. Ông cho biết, trong 10 năm qua, trong số những người mà vị chuyên gia này hỏi về kế hoạch tài chính thì đến 98% nói không có.
"Chúng ta không có kế hoạch thì biết đi về đâu? Điều đầu tiên phải xem xét chi phí hàng ngày, nếu đi vay thì nguyên tắc vay bao nhiêu cũng được nhưng trong 1 tháng, số tiền trả nợ/tổng thu nhập không được quá 60%. Vì một người còn phải trả thuế, đổ xăng, sinh hoạt hàng ngày,…và số đó phải dành ít nhất 40%. Nếu đi vay mà quá 60% thu nhập của mình là rủi ro rất cao. Còn những người không có khả năng đi vay thì phải nhờ đến cộng đồng. Có thể ít nhất 1 người có 5 người đứng ra bảo lãnh cam kết cho mình, tương tự một loại hình tài chính vi mô ở Bangladesh. Theo đó, 5 người này sẽ hối thúc người kia phải trả tiền, từ đó gắn trách nhiệm chung của cả làng xã".
TS. Nguyễn Đức Độ trong khi đó cho biết, nếu như nói đến mở rộng tín dụng cho nền kinh tế thì hơi vĩ mô. Tín dụng cao thì nền kinh tế có nhiều tiền nhưng cũng đồng nghĩa với nhiều nợ. Vì vậy, NHNN đã giới hạn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%/năm. Về lâu dài, tín dụng chỉ nên xoay quanh mức tăng trưởng GDP danh nghĩa của nền kinh tế là bền vững. Còn tín dụng tiêu dùng, nếu đang ở mức thấp thì chúng ta cần đẩy lên. Nhưng nếu quá cao thì cũng cần phải hạn chế ở mức hợp lý.
Song vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, về cơ bản, mở rộng tín dụng tiêu dùng có thể hạn chế được phần nào tín dụng đen nhưng cũng không nên quá kỳ vọng. Bởi tín dụng tiêu dùng và tín dụng đen có những lãnh địa riêng. Tín dụng đen có lãnh địa riêng, chiếm lĩnh những phân khúc mà tín dụng tiêu dùng chính thức khó có thể hướng tới, đó là các khoản vay nhỏ, có kỳ hạn cực ngắn, nhiều người đi vay có độ rủi ro rất cao như những người chơi lô đề hay các cược bóng đá … "Liệu có tổ chức tài chính, tín dụng chính thức nào sẵn sàng cung cấp các khoản vay theo kiểu "vay 1.000.000 đồng, trả lãi 3.000 đồng/ngày"? Nếu biết người đi vay không có nghề nghiệp nhưng lại đam mê cờ bạc, các tổ chức tín dụng, tài chính chính thức có dám cho vay không?" - ông đặt câu hỏi và khẳng định tín dụng đen vẫn sống được ở các phân khúc này.
Ông Độ cho biết thêm, tín dụng đen đối phó với các rủi ro và chi phí bằng việc áp lãi suất cao và đặc biệt là nhờ sử dụng lực lượng xã hội đen để đòi nợ một cách hiệu quả. Nếu không có lực lượng này, tín dụng đen sẽ rất khó để tồn tại. Và để giải quyết, đẩy lùi tín dụng đen thì cần chú trọng thêm ở góc độ này.
TS. Nguyễn Đức Độ
Các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích tín dụng tiêu dùng phát triển. Trong đó TS. Đỗ Hoài Linh và TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên mở "room" cho tín dụng tiêu dùng, đồng thời không nên hạn chế khoản vay ở mức 100 triệu đồng như Thông tư 43 quy định. Thậm chí bà Linh cho rằng có thể áp dụng tỷ lệ % của Vốn tự có của Công ty tài chính, tương tự với tỷ lệ quy định giới hạn cấp tín dụng trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN, như thế sẽ phù hợp hơn cả về quản lý an toàn hoạt động của Công ty tài chính, cũng như nâng cao tính phù hợp của số tiền tối đa có thể cho vay với nhu cầu của khách hàng.
Các chuyên gia đồng thời cho rằng nên mở rộng tín dụng của các công ty tài chính hơn nữa. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tốt hơn khi có nhiều công ty tài chính cạnh tranh với nhau tại nhiều nơi trên toàn quốc, lúc đó người tiêu dùng sẽ nhận được các dịch vụ tốt hơn với giá tốt hơn. Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, Các công ty tài chính hiện nay đang tập trung ở các thành phố lớn và về vùng sâu vùng xa họ chưa tới được. Tất nhiên, mở chi nhánh là không đủ, họ phải mở rộng tín dụng hơn, sản phẩm nhiều đa dạng hơn. Và đi cùng với đó, họ cũng phải tăng cường quản lý rủi ro.