9 ngân hàng trung ương mới đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ là của các nước Úc, Brazil, Đan Mạch, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Điển. Theo đó, Fed sẽ cung cấp USD cho ngân hàng trung ương khác trong hạn mức thỏa thuận để đổi lấy bản tệ của nước đó theo tỷ giá hiện hành, và sẽ đổi ngược lại trong một thời điểm ấn định trong tương lai tại cùng mức tỷ giá.
Ý nghĩa của hoán đổi tiền tệ
Có lẽ việc hoán đổi tiền tệ này vẫn còn là điều mới mẻ với nhiều người. Đối với Mỹ, việc Fed hoán đổi USD để lấy đồng bản tệ của các nước khác là điều khó hiểu, vì người Mỹ đâu có cần ngoại tệ của các nước khác, nhất là trong lúc thế giới bị gián đoạn, chìm trong nguy cơ khủng hoảng?
Ngược lại, trong số 14 nước mà Mỹ thực hiện hoán đổi tiền tệ nêu trên có nhiều nước có quỹ dự trữ ngoại hối lớn, được cho là đủ sức sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ nếu cần. Vậy tại sao các nước này vẫn cần phải hoán đổi tiền tệ với Mỹ để lấy USD?
Thực ra, việc hoán đổi tiền tệ này là có lợi cho cả 2 bên. Với Mỹ, việc hoán đổi tiền tệ (cung cấp USD cho đối tác) là nhằm để, trên hết, bảo vệ quyền lợi của, giảm rủi ro cho nước Mỹ, nếu căn cứ vào cách lý giải của Fed (1).
Việc Mỹ cung cấp USD cho nước khác sẽ giúp làm giảm áp lực lên các thị trường tài chính và nền kinh tế nước ngoài, từ đó làm giảm khó khăn cho những ngân hàng toàn cầu có hoạt động ở các nước bản địa lẫn ở Mỹ. Nhờ vậy, hoạt động cấp vốn của những ngân hàng này cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ sẽ ít bị rủi ro gián đoạn hơn, và tức là việc hoán đổi tiền tệ cũng giúp ổn định cho chính nước Mỹ.
Việc Mỹ cung cấp thanh khoản USD cần thiết cho các nước đối tác còn giúp giảm thiểu rủi ro làm nổ ra và lan truyền khủng hoảng tài chính toàn cầu vốn sẽ làm thiệt hại cho cả các thị trường và nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, căng thẳng cung cầu USD sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng của các nước đối tác của Mỹ, cũng tức là ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ sang các thị trường này.
Ngược lại, với các nước khác, tuy dự trữ ngoại tệ có dồi dào đến mấy nhưng một khi suy thoái, khủng hoảng kinh tế hoặc một biến cố lớn nào đó nổ ra thì thực tế cho thấy không có mấy ngân hàng trung ương nào có thể tự tin trụ vững trước áp lực cung ứng đầy đủ USD với tư cách là tài sản an toàn cho thị trường mà không gây ra những xáo trộn, đổ vỡ lớn trong hệ thống tài chính. Đây là lý do vì sao mà ngay cả những nước phát triển có quỹ dự trữ ngoại hối lớn như Nhật và châu Âu vẫn phải duy trì hạn mức hoán đổi tiền tệ với Mỹ.
Liên hệ với Việt Nam
Việt Nam có cần một thỏa thuận tương tự với Mỹ? Câu trả lời là tất nhiên, trừ khi Mỹ từ chối hoặc không mặn mà (như được bàn thêm ở phần sau).
Ngay cả được cho là đã đạt mức cao kỷ lục trong năm qua, nhưng xét đến quy mô (tính trên kim ngạch nhập khẩu) thì quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam thậm chí còn khiêm tốn hơn nhiều so với 14 nước đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ. Nếu không có thỏa thuận với Mỹ thì buộc Việt Nam phải trông chờ vào các khoản vay, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB hay IMF trong những lúc khó khăn, khủng hoảng. Như vậy, nếu có được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ thì cũng có nghĩa là Việt Nam có thêm một chỗ dựa chắc chắn khi cần (và, quan trọng hơn, không có rủi ro tỷ giá, không phải trả lãi, phí, và không phải chờ đợi xét duyệt như với các khoản cho vay thương mại hoặc song phương).
Vấn đề lớn nhất là liệu Mỹ có thấy cần thiết phải có/duy trì một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Việt Nam hay không?
Điều vẫn chưa được rõ là về tiêu chí Mỹ lựa chọn và "chơi" với các nước khác như thế nào trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, căn cứ vào cách giải thích của Fed liên quan đến việc cấp thỏa thuận hoán đổi thêm cho 9 nước như nói ở trên, cũng như chính cái tên của 14 nước/khu vực đang có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ, thì có thể hiểu rằng Mỹ sẽ chỉ chọn cấp hạn mức hoán đổi USD với nước nào là đồng minh thân cận của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ, là nơi có nhiều ngân hàng tại đó cũng có hoạt động cung cấp tín dụng tại Mỹ (và các ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu nền tài chính, kinh tế bản địa rung lắc), là nơi xung yếu để những rủi ro đổ vỡ cho nền kinh tế và thị trường tài chính bản địa dễ bị nhân rộng, lan truyền khắp thế giới.
Xét trên những yếu tố trên, Việt Nam xem ra không phải là một ưu tiên của Mỹ.
Dẫu vậy, Việt Nam vẫn còn một số yếu tố để có thể "vận động" Mỹ xem xét và sớm quyết định (nếu họ chưa làm vậy). Đó là nỗ lực thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, và đặc biệt là nhu cầu chính đáng của Việt Nam ổn định tỷ giá (thực chất cũng là có lợi cho Mỹ khi tỷ giá USD/VND đã lọt vào "tầm ngắm" của Mỹ) để kéo giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vào Việt Nam.
Tóm lại, việc thuyết phục được Mỹ cung cấp một hạn mức USD cho Việt Nam là một điều tích cực cho Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn. Tuy cánh cửa hẹp nhưng Việt Nam cần nỗ lực thuyết phục Mỹ, nhấn mạnh đến những lợi ích cho cả phía Mỹ nếu cả 2 bên đạt được một thỏa thuận loại này.
---------
(1) https://www.federalreserve.gov/newsevents/pressreleases/swap-lines-faqs.htm