Theo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, khu vực chợ Đồng Xuân-Bắc Qua có diện tích khoảng 34.000m2, được bao quanh bởi các tuyến phố Đồng Xuân, hàng Khoai, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuận… Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, hiện chợ Đồng Xuân-Bắc Qua chưa tương xứng với quy mô của một trung tâm thương mại hiện đại, chất lượng cao, tạo ấn tượng với nhân dân và du khách…
Tọa đàm về Đề án Phát triển khu vực Đồng Xuân-Bắc Qua thành trung tâm dịch vụ, thương mại chất lượng cao của Hà Nội được tổ chức chiều 27/3 (Ảnh: H.Khanh). |
Tại buổi tọa đàm về Đề án Phát triển khu vực Đồng Xuân-Bắc Qua thành trung tâm dịch vụ, thương mại chất lượng cao của Hà Nội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo khu vực này cần căn cứ nhu cầu phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại trong tương lai của Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
PGS .TS -Kiến trúc sư Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cho rằng, trong thời gian tới cần cải tạo khu chợ Đồng Xuân-Bắc Qua thành một trung tâm thương mại hiện đại.
Theo ông Khôi, khi thực hiện cải tạo khu chợ Đồng Xuân-Bắc Qua cần phải giữ gốc tích cũ là vòm chợ, 2 trục 2 bên từ thời Pháp. Còn về không gian cần thay đổi theo hướng phát triển cao dần vào bên trong, thấp dần ra bên ngoài. Trong đó, về phân khu chức năng khu vực chợ dự kiến xây dựng thấp tầng là 4 tầng nổi và 5 tầng hầm. Dự kiến quy mô tầng hầm với tổng diện tích trên 100.000m2, có khả năng giữ được 2.000 xe máy và 1.500 ôtô.
Chợ Đồng Xuân hiện nay gồm 3 tầng vẫn giữ một phần kiến trúc của chợ cũ (Ảnh: H.Khanh) |
Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, GS.TS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, trong quá trình cải tạo chợ Đồng Xuân-Bắc Qua mang ý tưởng hiện đại theo hướng phát triển thương mại dịch vụ cao cấp cần giữ lại nét văn hóa Hà Nội. Bên cạnh đó, cần tính tới việc đưa môi trường cây xanh vào khu vực chợ, từ đó tạo ra bước đột phá hiện đại cho chợ.
Trong khi đó, theo PGS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, không nên chất tải ở đây nhiều quá mà nên dành cho nó một tỉ lệ nhất định của sự buôn bán nhỏ. “Tôi không nghĩ ở đây cần xây công trình mà nếu dũng cảm hơn thì ở đây cần lắm một không gian mở thoáng đãng. Nơi còn lại 4-5 vòm chợ là dấu tích của năm 1946. Một không gian rất cần cho 36 phố phường quá chật chội. Bớt đi đừng chất tải” - ông Thông nói.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng đồng tình đánh giá cao ý kiến của nhiều chuyên gia về việc cải tạo chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cần tiếp nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Tuy nhiên ông Hải cho rằng, việc cải tạo phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế, tương lai của hệ thống bán lẻ Hà Nội, nếu không sẽ dẫn đến hoạt động không hiệu quả.
Ông Hải cũng lưu ý trong việc phát triển hiệu quả tế rút kinh nghiệm từ chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam. Hà Nội đã cải tạo chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam thành trung tâm thương mại, nhưng mô hình này hiện chưa phù hợp với tâm lý mua sắm của người dân không kéo được khách kể cả khách bình dân và cao cấp. Liên quan đến việc phát triển trung tâm thương mại tại tầng hầm, hiện nay qua tìm hiểu đánh giá nhiều trung tâm thương mại tại các tầng hầm lớn tại Hà Nội đang có xu hướng khách vắng dần đi - vị Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nêu ý kiến.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho biết đây sẽ là cơ sở để quận tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh đề án, báo cáo UBND thành phố cho phép triển khai thực hiện.
Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1889, ban đầu họp ngoài trời, sau được xây thành chợ với năm cầu khung sắt, lợp tôn tráng kẽm. Năm 1994, chợ Đồng Xuân bị hỏa hoạn, lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng trong Đồng Xuân, sau đó được xây dựng lại từ năm 1994-1996 trên nên hạ tầng đã cũ sau khi chợ bị cháy. Quy mô chợ xây lại gồm 3 tầng nhưng vẫn giữ một phần kiến trúc của chợ cũ. Cho đến nay, chợ Đồng Xuân vẫn là chợ đầu mối, bán buôn lớn nhất Miền Bắc. |
Hồng Khanh