Ủy ban thị trường mở - Cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/9 đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 2-2,25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2018 của Fed.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) trong tuyên bố mới nhất của mình đã không còn sử dụng cụm từ "thích ứng (accommodative)" và kèm theo một số thay đổi về lộ trình điều hành chính sách trong tương lai. Bên cạnh việc nâng lãi suất vừa rồi, FOMC tiếp tục dự báo sẽ nâng lãi suất thêm một lần nữa trước khi kết thúc năm 2018 và thực hiện 3 lần nâng lãi suất trong năm 2019.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, HSBC Việt Nam cho rằng động thái mới nhất của FOMC không tạo nên nhiều thay đổi trong khẩu vị rủi ro nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại khi kết quả của việc nâng lãi suất của Fed đã nằm trong kỳ vọng của hầu hết các thị trường.
25 điểm cơ bản tăng thêm đã được phản ánh vào giá, vì vậy phản ứng từ thị trường ngoại hối sẽ đến phần lớn từ nội dung cụ thể trong biên bản cuộc họp cũng như lộ trình lãi suất trong tương lai của Fed. Sự thay đổi trong ngôn ngữ với việc từ bỏ từ "thích ứng" được cho mang tính chất ôn hòa hơn (dovish), nhưng đồ thị điểm (dot-plot) chỉ dẫn tới một đồng đô la Mỹ (USD) mạnh hơn trong tương lai.
Đối với câu chuyện tỷ giá - lãi suất trong nước, theo ông Ngô Đăng Khoa, áp lực vẫn còn tồn tại khi Fed cho thấy lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc. Áp lực này sẽ cộng hưởng hay giảm nhẹ còn phụ thuộc nhiều vào biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia và Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc.
Vị chuyên gia từ HSBC nói rõ thêm, đồng NDT ổn định có thể giúp neo giữ sự ổn định chung của tỷ giá trong khu vực trong đó có đồng Việt Nam (VND), còn nếu ngược lại thì rủi ro tỷ giá là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, rủi ro về dòng vốn đầu tư dịch chuyển, áp lực lạm phát, cơ chế điều hành chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô sẽ trở nên thách thức hơn.
Chính sách tiền tệ dần thắt chặt của Fed và đồng NDT yếu hơn sẽ tiếp tục là thách thức chính đối với VND trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đồng VND mất giá quá nhanh sẽ mang lại nhiều bất lợi về tính ổn định cho nền kinh tế Việt Nam như hiệu ứng lan tỏa lên kỳ vọng lạm phát, vốn đã và đang tiến nhanh đến mức mục tiêu 4% của Chính phủ; giảm triển vọng tái đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kìm hãm niềm tin nhà đầu tư và dòng vốn FDI; cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi biến động VND ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động tới các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Khoa giải thích, Fed tăng lãi suất đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất trong đó có lãi suất cho vay tăng, kéo theo gia tăng chi phí vốn khiến lợi nhuận doanh nghiệp có thể chịu tác động trực tiếp.
Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, với việc nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ tăng trưởng tích cực, nhu cầu đầu tư, chi tiêu tăng lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cần tận dụng cơ hội này đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh, bên cạnh việc sử dụng linh hoạt các công cụ phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động khó lường trong tương lai.