Thị trường chứng khoán tiếp tục trong xu hướng tăng và chính thức vượt 1.500 điểm. Ghi nhận, dòng tiền sau khi rút khỏi cổ phiếu đầu cơ hiện đã thì quay về nhóm cổ phiếu cơ bản, đặc biệt là ngân hàng.
Riêng phiên 24/11 (phiên VN-Index công phá được mốc 1.500 điểm), dòng tiền cuồn cuộn chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian trầm lắng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng trong phiên này bắt đầu bật tăng trên 4% gồm OCB, MBB, STB, EIB, TCB, CTG, ACB, LPB...
Nhận định về xu hướng sắp tới, chuyên gia HSC tại hội thảo mới đây cho biết hiện thanh khoản nhóm ngân hàng đã tăng mạnh trở lại: STB thanh khoản vọt lên 67 triệu cổ phiếu, TCB thanh khoản 51 triệu cổ phiếu… Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng dù đã thiết lập được nền giá khá cao (theo kỹ thuật).
Dự báo TTCK nói chung, VN-Index theo chuyên gia sẽ tiếp tục xu hướng tăng và đến mốc 1.550 điểm, trong đó dòng tiền có sự chuyển hướng dần sang nhóm vốn hóa lớn, mà ưu tiên là nhóm VN30, ngân hàng, chứng khoán.
"Riêng ngân hàng, sóng này có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm, bên cạnh các nhóm bán lẻ khi nền kinh tế dần hồi phục", chuyên gia HSC cho hay. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý nhà đầu tư tại nhóm ngân hàng nên cảnh giác dòng tiền đầu cơ nếu thị giá các mã ngân hàng có dấu hiệu tăng mạnh.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đạt mức 7,42%. Trong đó, làn sóng dịch bệnh bắt đầu từ tháng 5/2021 đang ảnh hưởng không nhỏ đến Tp.HCM và các tỉnh miền Nam, nơi đóng góp gần 50% GDP cho cả nước. Tín dụng trong qúy 3/2021 theo đó chỉ đạt mức tăng trưởng 1,0% so với quý 2/2021.
Hiện, việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng sống chung cùng Covid-19 sẽ giúp phục hồi nhu cầu tín dụng trong quý 4/2021, báo cáo từ BSC cho hay. Đơn vị này cho rằng việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được. Trong năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao ~13%, được hỗ trợ bởi (1) tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh, (2) gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng trong quý 4/2021 cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý 4/2021, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).
BSC dự báo NIM trong năm 2022 sẽ tăng 35 bps so với năm 2021 do:
(1) phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao;
(2) lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021);
(3) tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.