Tại hội nghị bàn tròn 3 "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với hiệp định EVFTA" diễn ra vào ngày 26/3, ông Stephan Ulrich, Giám đốc Chương trình, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Phát triển bền vững: Nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn lao động cao hơn theo hiệp định thương mại thế hệ mới.
Lực lượng lao động Việt Nam tập trung nhiều nhất ở khu vực nào?
Theo ông Stephan, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 doanh nghiệp có số lượng lao động trên 10 người. Hầu hết các doanh nghiệp này có trình độ công nghệ tốt, quy trình hiệu quả và phần lớn trong số họ có hoạt động xuất khẩu. Khu vực này hiện có khoảng 7 triệu lao động.
Phân khúc tiếp theo là doanh nghiệp có số người lao động ít hơn 10, gồm khoảng 700.000 doanh nghiệp. Hầu hết công nghệ tại các doanh nghiệp này đều rất đơn giản, tiêu chuẩn an toàn chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống sơ tán và việc cải tiến thiết bị cũng không được chuẩn bị kỹ. Đây cũng là một trong những thách thức lớn khi khu vực này có khoảng 1,8 triệu lao động.
Cuối cùng là các khu vực hộ gia đình và khu vực kinh doanh phi chính thức, gồm 5 triệu hộ kinh doanh với khoảng 8 triệu lao động. Ngoài ra, xuất khẩu tại khu vực này chiếm gần 2,4 tỷ USD. Bên cạnh những thách thức như máy móc thô sơ, vấn đề sức khoẻ và an toàn cũng là một khó khăn khác mà các lao động tại đây đang gặp phải.
Đáng chú ý, khi nhìn vào khu vực công và các doanh nghiệp FDI, số lượng lao động chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi đó con số này lại khu vực doanh nghiệp trong nước là gần 30%, và khu vực phi chính thức là khoảng 99%.
Một vấn đề khác là khu vực phi chính thức đang ngày càng tạo ra nhiều việc làm hơn trong những năm qua, dẫn đến tại khu vực chính thức, việc làm ngày càng ít đi. "Đây là vấn đề cần được quan tâm bởi những lao động này gần như không được tiếp cận với bảo hiểm thất nghiệp, hoặc không có đảm bảo về lương hưu", đại diện ILO chia sẻ.
Thách thức đối với người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Stephan Ulrich nói, hiện nay khu vực này cũng đang gặp những thách thức về vấn đề đảm bảo an toàn lao động. Lý do là vì điều này đòi hỏi các khoản đầu tư và doanh nghiệp không thể gánh vác, như trang bị thêm thiết bị, đào tạo người lao động...
Làm việc quá giờ cũng là một vấn đề lớn, khi các doanh nghiệp trong khu vực này muốn sản phẩm được giao nhanh chóng đến tay khách hàng, trong khi người lao động lại muốn làm thêm giờ để kiếm thêm tiền. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn cả tại các doanh nghiệp lớn.
Liên quan đến bình đẳng giới trong lao động, ông Stephan nêu rõ, tỷ lệ phụ nữ và nam giới làm việc trong nhà máy là 50-50, song từ cấp quản lý trở lên, đại đa số lại là đàn ông. Điều này cũng dẫn đến những thách thức như chênh lệch tiền lương, phân biệt đối xử...
Bên cạnh những thách thức, Giám đốc Chương trình ILO tại Việt Nam cho hay, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường lao động đã thúc đẩy tăng năng suất, tiền lương và hiện đại hoá các quy trình trong doanh nghiệp. Ngoài ra, hội nhập quốc tế cũng giúp các doanh nghiệp học hỏi được nhiều khi đối tượng người mua có yêu cầu cao hơn, thị trường cạnh tranh hơn...
"Điển hình như việc tăng lương tối thiểu cũng đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế, bởi người tiêu dùng quốc tế sẽ lựa chọn dùng sản phẩm gắn với doanh nghiệp tôn trọng người lao động hơn", đại diện ILO kết luận.