Theo Forbes, một số lĩnh vực đầu tư có thể giảm rủi ro lạm phát đó là tài sản hữu hình, hàng hóa và trái phiếu. Tài sản hữu hình tập trung phần lớn vào bất động sản và các khoản ủy thác đầu tư bất động sản. Lạm phát có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản vì bất động sản làm tăng vốn chủ sở hữu, làm tăng thu nhập cho thuê và không tác động tiêu cực đến giá trị bất động sản.
Đối với trái phiếu, đầu tư vào trái phiếu chính phủ ngừa lạm phát (TIPS) là lựa chọn phù hợp để duy trì các khoản đầu tư trái phiếu ngay cả trong thời kỳ lạm phát tăng cao. Trong khi trái phiếu thường có rủi ro khi lạm phát ngoài tầm kiểm soát, thì TIPS là trái phiếu được điều chỉnh giá trị gốc dựa trên lạm phát.
Trên thực tế, các tài sản có dòng tiền cố định có xu hướng hoạt động kém hơn khi lạm phát tăng cao, do sức mua của các dòng tiền tương lai giảm theo thời gian. Ngược lại, hàng hóa và tài sản có dòng tiền có thể điều chỉnh được, điển hình như thu nhập cho thuê tài sản, thường có xu hướng hoạt động tốt hơn khi lạm phát tăng cao.
Quỹ Usbank (Mỹ) cho biết, lạm phát có thể nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm gì để bảo toàn các khoản đầu tư và tiết kiệm khỏi ảnh hưởng của lạm phát. Theo Forbes, bằng cách hiểu rõ tác động của lạm phát đối với các lĩnh vực, các nhà đầu tư có thể chủ động phòng ngừa trước các tác động của lạm phát.
Forbes cho biết, chiến lược trong đầu tư tránh rủi ro lạm phát chính là cân bằng danh mục đầu tư. Cụ thể, việc kết hợp 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu sẽ giúp giảm rủi ro lạm phát và mang lại tiềm năng sinh lời trong dài hạn. Cách phân bổ này là một chiến lược đầu tư thận trọng và không phải lúc nào cũng hiệu quả cao trong các hoàn cảnh kinh tế khác nhau.
Theo Investopedia, danh mục đầu tư kết hợp 60/40 giữa cổ phiếu và trái phiếu mang lại lợi nhuận vượt trội ở một số thị trường nhất định. Tuy nhiên, mức kết hợp này cũng có một số hạn chế. Sự hỗn loạn thị trường ngày nay khiến cho nhiều nhà đầu tư thực hiện phân bổ danh mục đầu tư rộng hơn, đa dạng hơn để đạt được tăng trưởng trong dài hạn với mức rủi ro hợp lý.
Giám đốc chiến lược đầu tư của Ngân hàng đầu tư Tangent Capital, ông Bob Rice cho biết, quỹ đầu tư của Đại học Yale đã thực hiện cân bằng danh mục đầu tư bằng cách đầu tư 5% vào cổ phiếu và 6% trái phiếu, còn 89% còn lại được phân bổ vào các lĩnh vực và loại tài sản khác. Theo ông Bob Rice, quỹ đầu tư của Đại học Yale có tính thận trọng cao nên tỷ lệ 5% vào cổ phiếu và 6% vào trái phiếu có tính rủi ro thấp. Đặc biệt, đây là tỷ lệ phân bổ thấp nhất trong lịch sử.
Theo Giám đốc điều hành đầu tư tại Quỹ đầu tư Merrill Lynch (Mỹ), ông Alex Shahidi, một danh mục đầu tư kết hợp 30% trái phiếu kho bạc dài hạn, 30% trái phiếu TIPS, 20% cổ phiếu và 20% hàng hóa là sự kết hợp ổn định trong dài hạn. Ông cho biết, danh mục đầu tư này mang lại lợi nhuận tốt, gần như tương tự nhau trong các chu kỳ kinh tế và ít bị biến động theo thị trường. Bên cạnh đó, TIPS và hàng hóa có xu hướng hoạt động tốt hơn trong thời kỳ lạm phát tăng cao.