Theo nguồn tin trên Báo Chính phủ, Nhóm nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân, trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia, vừa đưa ra một số đánh giá và nêu các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các chuyên gia nhận định, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch.
Đặc biệt, cần ưu tiên những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động.
Theo đó, Nhóm chuyên gia đề xuất NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 12%, nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%.
Bên cạnh đó, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, bởi vì chỉ cần giảm 0,5% tỉ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng (TCTD) đó, giảm thiểu can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho việc "nới room" tín dụng...
Tiếp theo là đề xuất NHNN chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; các TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư 01, 03, 14 của NHNN…
Cuối cùng, đề nghị NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); đổng thời mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua NHCSXH…
Quy định về dự trữ bắt buộc hiện nay ra sao?
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Tỉ lệ 3% là con số nhỏ, nhưng trong tổng huy động của hệ thống, số tiền này rất lớn. Trong khi đó phần tiền dự trữ bắt buộc gần như không có lãi nên phần gửi này cao thì chi phí vốn của ngân hàng sẽ cao.
Hiện mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm. Đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm.