Sau hơn 20 năm hàng hóa có mác "Made in China" có mặt ở khắp mọi nơi, công xưởng thế giới Trung Quốc đã bị kìm hãm và đang có dấu hiệu chậm lại. Các nhà đầu tư đang nhận thấy chi phí nhân công và đất đai ở đây dần trở nên đắt đỏ. Các luật lệ về giám sát môi trường đang khắt khe hơn, khiến sản xuất của Trung Quốc giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ khác. Kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm kể từ năm 2016. Sự cạnh tranh gay gắt trên khắp châu lục đã dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo các hướng khác nhau.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 8,7% trong năm 2015, tỷ trọng FDI của Trung Quốc trong FDI toàn cầu đã giảm gần một điểm phần trăm trong năm 2016 và 2017, trong khi con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm đáng kể. Tương tự như vậy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng giảm theo, và ngược lại Trung Quốc cũng đã giảm nhập khẩu từ Mỹ.
Các nhà sản xuất đậu nành của Mỹ là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoa Kỳ là một trong những nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cắt giảm 80% lượng mua đậu tương từ Mỹ vào năm ngoái do chiến tranh thương mại và chuyển sang nhập khẩu từ Brazil để thay thế.
Theo khảo sát của khối nghiên cứu của Tập đoàn Ngân hàng UBS, gần 60% các công ty trong ngành công nghiệp máy móc và thiết bị cho biết họ đã giảm một phần sản lượng ở Trung Quốc trong năm vừa qua. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, bất chấp sự bất ổn từ chiến tranh thương mại.
Các đối thủ trực tiếp như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đều tăng sức hấp dẫn trong những năm gần đây đối với các CFO. Tuy nhiên, các trung tâm sản xuất đang phát triển ở Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam mới là nơi có sự thay đổi dòng đầu tư rõ rệt.
Business Insider nhận xét: "Việt Nam đã bất ngờ hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, khi người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả hai bên Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chịu gánh nặng thuế quan đối với hàng hóa của nhau". Hoa Kỳ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại kéo dài không có hồi kết. Kể từ tháng 3/2018, hai chính phủ đã áp các khoản thuế quan lên đến hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa từ đối phương.
Để tránh gánh nặng thuế trầm trọng thêm, các nhà nhập khẩu Mỹ và Trung Quốc đang chuyển sang các quốc gia khác để nhập khẩu hàng hóa - và dữ liệu kinh tế mới đây đã chỉ rõ việc các quốc gia khác đã được hưởng lợi bao nhiêu.
Thomas Costerg, một nhà kinh tế học tại Pictet Wealth Management nói: "Xuất khẩu của Việt Nam đang hưởng lợi và họ đã nắm bắt thời cơ đó khá nhanh chóng. Đối với một đất nước nhỏ, điều đó thật ấn tượng".
Financial Times đưa tin, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng vọt 45,5% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2019. Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, sự tăng cường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang Mỹ đặc biệt mạnh đối với những ngành hàng Trung Quốc bị Tổng thống Donald Trump áp thuế.
IMF cho biết, người tiêu dùng Mỹ và Trung Quốc đang phải chịu cảnh tăng giá và họ "chắc chắn sẽ là kẻ thua cuộc" của cuộc chiến thương mại. Các nhà nhập khẩu Mỹ đang trả "gần như toàn bộ" gánh nặng thuế quan của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng tương tự, nhưng thiệt hại tổng thể của Trung Quốc có thể nhỏ hơn do Trung Quốc nhập khẩu ít hàng hóa Mỹ hơn.