"Chỉ một hecta đất Thủ Thiêm đấu giá thành công có thể được 1 tỷ USD, nếu làm được thì chắc chắn Tp.HCM không cần xin trung ương điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách lên mức 18-23% tổng thu. Điều quan trọng nhất là không bị mất cán bộ, đây là cái được lớn nhất", đó là phát biểu của TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế tại Hội thảo khoa học quốc gia tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề đấu giá đất ở Việt Nam, đặc biệt là sau trường hợp đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, đấu giá đất phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, được áp dụng trong tất cả trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không có ngoại lệ.
Đấu giá đất phải đảm bảo quyền và lợi ích cho cả 3 bên là Nhà nước (người bán), doanh nghiệp/người dân (người mua) và thị trường/xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế đấu giá đất, cả căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách lẫn quy trình, thủ tục cũng như bộ máy tổ chức và nhân sự có liên quan.
Nhiều kiến nghị sửa đổi luật đấu giá sau vụ doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm đầu năm.
Theo vị chuyên gia, muốn đấu giá đất hiệu quả thì phải sửa Luật đấu giá 2016. Hiện luật này quy định 4 hình thức đấu giá đất, bao gồm: trả giá trực tiếp tại phiên đấu giá bằng miệng, đấu giá trực tiếp, bỏ phiếu đấu giá gián tiếp và đấu giá trực tuyến.
Tuy nhiên TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần bỏ ngay hình thức bỏ phiếu đấu giá gián tiếp, cân nhắc hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp vì dễ bị can thiệp, như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch và công bằng. Bên cạnh đó, cần quy định rõ loại loại đất nào phải đấu giá, loại nào không.
Một điểm đáng chú ý khác, vị chuyên gia kiến nghị sửa các quy định về tiền đặc cọc, tiền đặt trước, trong đó không chuyển tiền đặt trước thành đặt cọc. Tiền đặt cọc là để người trúng đấu giá không được bỏ cọc nên có thể quy định mức tiền cọc từ 30-50% giá trúng đấu giá đất, nhà tham gia đấu giá phải chuẩn bị tài chính từ trước khi đấu giá.
Ngoài ra, về kiến nghị đánh thuế tài sản đối với đất đai đang gây nhiều luồng dư luận trái chiều thời gian gần đây, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần cân nhắc việc đưa thuế tài sản vào khi sửa Luật đất đai, vì đất là tài sản lớn nhất. Nếu muốn đưa thuế tài sản vào luật thì phải bỏ ngay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, quan điểm thuế đất nông nghiệp thời gian tới cũng phải sửa.
Cũng tham luận về Luật đất đai, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai, quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư, từ đó tạo ra các cơ chế phù hợp để tăng nguồn thu từ đất. Đó chính là nguồn lực tài chính phù hợp để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có chất lượng cao.