Theo các chuyên gia dự đoán, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sử dụng đến cái gọi là "tiền trực thăng" – phát tiền cho người dân để kích thích tiêu dùng, trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Thuật ngữ tiền trực thăng được đưa ra bởi nhà kinh tế học Milton Friedman, đề cập tới một chính sách tiền tệ độc đáo, nơi một ngân hàng trung ương in thêm tiền và phân phối chúng trực tiếp cho công dân của mình. Ý tưởng, gợi lên hình ảnh tiền bị ném khỏi trực thăng cho người phía dưới, là cách để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, qua đó phục hồi kinh tế trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, cách các ngân hàng hiện thực hóa chính sách này lại rất khác nhau.
Các quốc gia châu Âu là một trong những bên bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP khu vực EU zone sẽ giảm 7,5% trong năm nay. ECB đã thực hiện các bước đi khác nhau nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh, bao gồm cam kết mua 750 tỷ euro (815 tỷ USD) trái phiếu có chủ quyền trong năm nay.
Tuy nhiên, dữ liệu được công bố đầu tuần này cho thấy nếu tiếp tục mua trái phiếu với tốc độ hiện tại, số tiền 750 tỷ euro mà ECB dự chi sẽ hết sạch trong tháng 10 này. Điều này có thể cho thấy dường như số tiền này là chưa đủ để cải thiện tình hình.
Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng tiền trực thăng làm tăng mối lo ngại về sự độc lập của Ngân hàng Trung ương cũng như tổn hại tới đầu tư nước ngoài vì nó làm tiền tệ mất giá. Ngoài ra, việc không thể xác định rõ người dân sẽ dùng tiền như thế nào sau khi được phát cũng rủi ro. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nói rằng nếu ECB quyết tâm đảm bảo sự ổn định về giá, nhiệm vụ cốt lõi của nó, thì đó sẽ là một lựa chọn "có giá trị".
John Wraith, người đứng đầu bộ phận Chiến lược lãi suất của UBS tại Vương quốc Anh, nói rằng nếu ECB tiếp tục mua trái phiếu có chủy quyền trong 6 đến 12 tháng tới mà hiệu quả vẫn không cao thì họ phải làm gì? Tiền trực thăng có thể sẽ là một phép thử đáng giá.
Dario Perkins, giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại TS Lombard cũng chia sẻ rằng tiền trực thăng có thể là một lựa chọn. Ông không nghĩ ECB sẽ làm điều này ngay bây giờ nhưng điều đó có thể xảy ra trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng lớn hơn nổ ra sau những hậu quả mà Covid-19 gây ra cho kinh tế khu vực và thế giới.
Cho đến nay, ECB vẫn tránh xem tiền trực thăng là một phương án khả thi. Trong một lá thư, Chủ tịch Christine Lagarde nói rằng ECB chưa bao giờ thảo luận về tiền trực thăng. Chính vì vậy, ECB không chính thức xem xét những đề nghị liên quan tới chính sách này.
"Khi ECB nói rằng họ không bao giờ thảo luận về tiền trực thăng, điều đó có thể có nghĩa là họ đã làm", ông Frederik Ducrozet, chiến lược gia tại Pictet Wealth Management, cho biết.