“Tầng lớp trung lưu trên thế giới được xem là tầng lớp quan trọng, đầu tư nhiều vào nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và phát triển dịch vụ thúc đẩy khoa học công nghệ. Tôi rất mong với các thành tựu trên, người trong tầng lớp trung lưu của Việt Nam cố gắng đầu tư thêm nữa để phát triển sản xuất, dịch vụ”, ông Doanh nói.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng lưu ý, việc hiện nay có nhiều người sau khi có số vốn ban đầu lại muốn giàu lên nhanh chóng và dễ dàng nên tham gia đầu tư bất động sản, đầu tư tiền ảo. Từ đó tạo ra tầng lớp trung lưu giàu lên nhờ chênh lệch bất động sản hay các dịch vụ mang tính chất đầu cơ. Để hạn chế điều này, Chính phủ cần tiếp tục công khai minh bạch môi trường kinh doanh để người dân có điều kiện rõ hơn về môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nỗ lực nghiêm túc để huy động trí tuệ, đầu tư lĩnh vực tạo ra công ăn việc làm.
“Khi số lượng người giàu của Việt Nam tăng lên, để không xảy ra chênh lệch giàu nghèo lớn trong xã hội, chúng ta cần có chính sách để thúc đẩy người nghèo có thêm việc làm, thu nhập để vươn lên. Muốn làm được điều này, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường mạnh mẽ hơn nữa”, ông Doanh đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong tổng số 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, chúng ta phải tìm hiểu xem tỷ lệ này so với tổng số người dân Việt Nam là bao nhiêu. Từ đó, chúng ta so sánh tỷ lệ người dân ở tầng lớp trung lưu của Việt Nam so với thế giới đạt bao nhiêu phần trăm?
Ông Long cho rằng, nên so sánh tỷ lệ người gia nhập tầng lớp trung lưu và người nghèo, cận nghèo để có cái nhìn toàn diện. Chúng ta phải xem xét trong 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu nhờ làm ăn chân chính hay có lẫn người lợi dụng chính sách để làm ăn; trung lưu là lao động trí thức, hay nông dân vươn lên làm giàu?
“Nếu 1,5 triệu người trung lưu là nông dân hay nhà khoa học vươn lên làm giàu thì quá tốt, cần khuyến khích”, ông Long nói.