Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ, 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người mở màn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội với các vấn đề liên quan tới nợ công, tăng thu ngân sách, giảm bội chi,...
Phân tích bên lề Quốc hội về vấn đề tăng thu ngân sách, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá trên VTV rằng, chúng ta cũng thấy rằng kinh tế luôn có lo lắng về sự tăng trưởng nhưng 2016 và 2017 thì vấn đề tăng thu vẫn tiếp tục tốt. Vấn đề là tăng trưởng tốt nhưng bội chi thì cũng cao lên. Ví dụ như năm nay bội chi của nền kinh tế đã trên 7%.
Nguyên nhân đến từ một gánh nặng mới là chi trả nợ công. Hiện nay, chi trả nợ công đã gần ngang với mức chi đầu tư. Để giải quyết bài toán này, Chính phủ buộc phải tìm ra phương án để tăng nguồn thu.
"Tuy nhiên, tôi thấy trong vấn đề tăng thu. Bộ tài chính mới đưa ra những giải pháp ngắn hạn và tình thế. Vấn đề một số thuế chưa hợp lý như xăng dầu, điện nước, nếu tăng sẽ tác động đến tổng cầu. Làm cho cái nguồn thu nhập của DN, người dân giảm, từ đó giảm mua bán, lại không phát triển được kinh tế", ông Hiển đánh giá.
Theo ông Hiển, tăng thu đến từ 2 biện pháp. Đầu tiên đó là các vấn đề kỹ thuật như rà soát, chống thất thu thuế, chống chuyển giá,... Song về dài hạn, phải tìm ra nguồn thu không mâu thuẫn với phát triển kinh tế, vào tổng cầu nội địa. Đó chính là nguồn thu vào những người giàu, có thu nhập cao.
"Thuế thu nhập cá nhân cho người thu nhập cao và thuế tài sản cho người giàu. Ở các nước phát triển khoản này chiếm tới 70% cơ cấu thu thuế của quốc gia. Chúng ta mới làm, mới thu được thuế thu nhập cao của những người làm công ăn lương. Trong khi những người giàu bên ngoài, thu nhập cực cao mà chúng ta không thể thu được", ông Hiển đánh giá.
Đồng tình với ông Hiển, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cũng bổ sung thêm để chống thất thu thuế thì điều đầu tiên Bộ tài chính phải làm đó là chỉnh sửa chính sách thuế còn bất cập.
"Cần mở rộng lên hết tất cả các đối tượng chịu thuế, bao quát hết nguồn thu, đảo bảm tính công bằng, bình đẳng giữa các DN, thành phần trong nền kinh tế. Cái thứ 2, cần tránh tình trạng chung chi thì nên áp dụng công nghệ vào tất cả các khâu: kê khai thuế, hoàn thuế, v.v… Cái thứ 3, chúng ta phải giải quyết ngay vấn đề hóa đơn, áp dụng hóa đơn điện tử có mã số thuế, khuyến khich thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng,...", bà Mùi cho biết.