Ngày hôm qua, căng thẳng Mỹ - Trung tiến thêm một bước khi Bắc Kinh để đồng Nhân dân tệ xuống thấp nhất 11 năm, động thái đe dọa ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Mỹ khi khiến hàng hoá của họ trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Trung Quốc. Đáp lại động thái này, cuối ngày thứ Hai, Bộ Tài chính Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tỷ giá".
Mỹ bỏ ngỏ khả năng can thiệp tiền tệ
Động thái của Trung Quốc theo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước rằng sẽ áp thuế 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 9 tới với lý do Bắc Kinh quyết định đàm phán lại thỏa thuận ngay trước khi ký kết.
Chia sẻ với CNN, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết, với việc hạ giá đồng nội tệ, Bắc Kinh đang phát đi thông điệp rằng nước này đã chuẩn bị để dùng tiền tệ như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington.
"Việc Trung Quốc dừng bảo vệ mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD cho thấy họ đã từ bỏ hy vọng về một thỏa thuận thương mại", Evans-Pritchard nhận định.
Mọi con mắt giờ đang đổ dồn vào động thái tiếp theo của Mỹ. Chiến tranh tiền tệ là tình huống mà trong đó các quốc gia rơi vào các vòng phá giá tiền tệ, làm ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, đẩy lạm phát lên cao còn giá tài sản sụt giảm.
"Tranh luận về việc Mỹ sẽ can thiệp tiền tệ đang ngày càng nóng hơn", Kit Juckes, nhà chiến lược tại Societe Generale, cho biết.
Bất chấp những bằng chứng ngược lại vài năm gần đây, ông Trump liên tục phàn nàn rằng Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ để giúp hàng hoá nước này cạnh tranh hơn. Câu hỏi đặt ra giờ đây là người đứng đầu Nhà Trắng sẽ làm gì để phản ứng trước động thái của Bắc Kinh.
Vài tuần gần đây, ông Trump nhấn mạnh rằng biện pháp can thiệp tiền tệ vẫn có thể được sử dụng. Hồi tháng 7, ông bác bỏ đề xuất "loại trừ" biện pháp trực tiếp hạ giá đồng USD của cố vấn kinh tế Larry Kudlow. "Tôi không nói rằng sẽ không làm gì đó", ông Trump nói với báo giới khi đó.
Theo giới phân tích, việc hạ giá đồng USD sẽ là bước đi lớn trong chính sách của Mỹ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở cả trong và ngoài nước. Đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cũng khiến hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, kéo theo lạm phát tăng và tiêu dùng sụt giảm. Giá cả tiêu dùng cao có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, kéo lùi tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng này có thể sẽ lan ra toàn cầu khi các quốc gia khác cũng bắt đầu có động thái tương tự. Phá giá tiền tệ cũng gây ra biến động và bất ổn lớn cho thị trường tài chính khi khiến giá trị các tài sản từ bất động sản cho tới cổ phiếu sụt giảm.
Để hạ giá đồng USD, chính quyền của ông Trump có thể sẽ chính thức tuyên bố kết thúc chính sách đồng đôla mạnh được đưa ra vào năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Ông Trump cũng có thể sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Dự trữ New York để bán ra đồng USD. Miguel Chanco, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Pantheon Macroeconomics, cho rằng ông Trump có thể vẫn chưa đi tới nước đó, nhưng chắc chắn những cuộc thảo luận gay gắt về vấn đề này sẽ diễn ra tại Nhà Trắng.
"Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển thành chiến tranh tiền tệ", ông Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nhận định với tờ Washington Post. "Điều này có thể khiến Mỹ dừng nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc".
Gắn nhãn "quốc gia thao túng tỷ giá" để áp thuế trừng phạt?
Theo giới phân tích, bên cạnh nguy cơ chiến tranh tiền tệ, những động thái mới nhất của Mỹ và Trung Quốc có thể khiến căng thẳng thương mại hai bên trở nên tồi tệ hơn. Lần gần cuối cùng Mỹ gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá là vào đầu những năm 1990. Với việc gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tỷ giá" ngày hôm qua, Mỹ có thể sẽ áp thuế mạnh hơn nữa lên hàng hoá Trung Quốc, và điều này có thể châm ngòi cho các động thái trả đũa từ phía Bắc Kinh.
"Mỹ có thể sử dụng 'nhãn' này như một công cụ để đơn phương áp thuế trừng phạt", Prasad nói. "Đây chắc chắn sẽ là cái cớ để Mỹ áp thêm thuế".
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hậu quả nguy hiểm nhất của một cuộc chiến tiền tệ là dẫn tới suy giảm kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc, khi mà trước đó nhiều người sợ rằng suy giảm kinh tế toàn cầu có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại thời gian gần đây. Việc hạ giá đồng Nhân dân tệ cũng sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất châu Âu có hàng hoá cạnh tranh với Trung Quốc. Phố Wall vừa trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất năm 2019 vào ngày thứ Hai khi tất cả 11 nhóm cổ phiếu đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Việc áp thêm thuế nhập khẩu và phá giá đồng nội tệ có thể lặp lại lịch sử, như đã đẩy thế giới vào Đại Suy thoái vào những năm 1930, Steven Charles Kyle, giáo sư kinh tế học của Đại học Cornell, nhận định.
Trước cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump đang đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Việc Bắc Kinh hạ giá đồng nội tệ đồng nghĩa các nhà sản xuất Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi bán hàng tại Trung Quốc và ở các thị trường phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ làm tăng thêm thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ càng tăng, kể cả khi thuế quan làm giảm lượng nhập khẩu.