Bà Kamala Harris là Phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên có chuyến công tác sang Việt Nam. Theo đánh giá của anh, quan hệ thương mại giữa 2 nước dự kiến sẽ có gì thay đổi sau chuyến thăm này?
TS Châu Thanh Vũ, nhà kinh tế tại IMF (Mỹ)
Theo tôi, chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam lần này dự kiến sẽ chỉ tập trung giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng, ngoại giao vaccine, và xây dựng hình ảnh cho chính quyền Biden ở khu vực.
Thương mại tự do là một vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ, và điều này thể hiện bằng việc hầu hết chính sách kinh tế của Tổng thống Biden đến nay là chính sách nội địa. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát, tình hình Covid-19 xấu đi, và những lộn xộn trong việc rút quân khỏi Afghanistan đang diễn ra, chính quyền Biden sẽ không muốn dính dáng thêm đến một vấn đề phức tạp như ký kết một hiệp định thương mại lớn mới.
Do đó, chuyến đi của bà Kamala Harris sẽ tập trung giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng, đặc biệt là tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và giao thông hàng hải, nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế Mỹ và giảm sức ép lạm phát.
Cùng với chuyến thăm của Phó Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này cho tăng trưởng kinh tế ra sao: hợp tác vaccine, thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu….?
Việc Mỹ "ngoại giao vaccine" trong chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ có lợi từ việc người dân Việt Nam được tiêm vaccine rộng rãi để bảo đảm sản xuất cho chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, dù khả năng một hiệp định thương mại chính thức là khó có thể, Việt Nam có thể nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris để khẳng định mình là điểm đến ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài và là trọng điểm của chuỗi giá trị thế giới trong thời gian tới.
Bên cạnh những điều được dự báo là tích cực từ chuyến thăm của bà Kamala Harris, anh nhận thấy kinh tế Việt Nam sẽ gặp những thách thức gì sắp tới?
Khó khăn chính cho nền kinh tế trong thời gian gần vẫn sẽ là sự sụt giảm xuất khẩu do giá container, vận tải quốc tế tăng cao. Xuất khẩu yếu, cộng với thị trường nội địa yếu ớt do giãn cách xã hội, sẽ làm giảm mạnh tăng trưởng kinh tế cho năm tiếp theo. Khó khăn cho các Nhà nước sẽ chủ yếu về mặt tài khoá. Việc ngân sách thu ít do giảm sút kinh tế cộng với việc chi tiêu tăng để kiểm soát dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sẽ tăng thâm hụt ngân sách, tăng rủi ro nợ công.
* Quan điểm trong bài viết thể hiện ý kiến cá nhân của TS Châu Thanh Vũ và không thể hiện quan điểm chung của IMF