Kết quả của các báo cáo tháng 6 tại Mỹ chỉ ra rằng: với việc mở cửa, cả việc làm và chi tiêu của người Mỹ đều tăng trở lại. Nhưng ngược lại, tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn tiếp tục xấu đi. Theo anh, sự phục hồi của kinh tế Mỹ có thể bền vững hay không khi họ vẫn còn đang chưa kiểm soát được dịch?
Nước Mỹ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Ngoài yếu tố bất ngờ, có một số yếu tố đặc trưng ở Mỹ như không có một chính sách phòng bệnh nhất quán cho cả nước, nên các tiểu bang khác nhau có cách kiểm soát dịch bệnh khác nhau, rồi cả yếu tố văn hóa như việc đeo khẩu trang chưa phổ biến… Dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế.
Nhưng mặt khác, cũng có nhiều tin tức khả quan gần đây về các loại vaccine điều trị dịch. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng không ngừng trong thời gian qua kể từ khi chạm đáy cuối tháng 3, cũng thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư. Tôi cho rằng các khó khăn hiện nay của nền kinh tế Mỹ chỉ là tạm thời.
Mới đây, giới chức FED nhận định, kinh tế Mỹ sẽ khó phục hồi trong năm nay, và chỉ có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2022. Với vai trò lớn của Mỹ, điều này có tác động thế nào với kinh tế toàn cầu?
Kinh tế Mỹ đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu. Số liệu gần đây trong năm 2018 cho thấy Mỹ nhập khẩu trị giá hơn 1.000 tỷ USD từ thị trường châu Âu và Trung Quốc, tương đương hơn 20% lượng xuất khẩu của hai nhóm nước này. Như vậy nếu kinh tế Mỹ phục hồi chậm, sẽ kéo theo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, mới đây ông Biden đã đưa ra một chiến lược mới, kêu gọi chính phủ đầu tư 400 tỷ USD mua hàng hóa sản xuất trong nước và thắt chặt luật mua hàng Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là "phiên bản Dân chủ" của "Nước Mỹ trên hết". Điều này nếu thực sự xảy ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bức tranh thương mại quốc tế như thế nào?
Trong năm 2019, Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài khoảng 2.500 tỷ USD. Như vậy, nếu chính phủ Mỹ đầu tư mua 400 tỷ USD hàng hóa trong nước thay cho nhập khẩu, thì sẽ giảm nhập khẩu khoảng 16%. Lượng nhập khẩu bị cắt giảm này sẽ có ảnh hưởng khác nhau cho các nước khác nhau. Các nền kinh tế lớn có xuất khẩu sang nhiều thị trường đa dạng (vd, Đức, Pháp) sẽ bị ảnh hưởng ít hơn so với các nền kinh tế nhỏ hơn, phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.
Mỹ là một đối tác thương mại lớn nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tổng trị giá 66 tỷ USD, khoảng 25% tổng GDP của Việt Nam trong năm 2019. Nếu Mỹ cắt giảm nhập khẩu từ Việt Nam 16% thì Việt Nam sẽ thất thu 11 tỷ USD, tương đương với sụt giảm 4% GDP. Con số này lớn hơn một nửa mức tăng trưởng 7% GDP của Việt Nam năm vừa rồi!
Nhưng mặt khác, nếu chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục thắt chặt, thì Việt Nam có thể tiếp tục trở thành một thị trường thay thế cho một số mặt hàng như giày dép, quần áo.
Nếu không chỉ có Mỹ mà các quốc gia cũng có khả năng đi theo xu hướng ưu tiên mua hàng nội như vậy. Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến quốc gia có nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam?
Nếu các quốc gia khác cũng đi theo xu hướng tiêu dùng hàng nội thì đó là tin tức không vui cho Việt Nam, bởi vì nền kinh tế của chúng ta hiện nay có trị giá xuất nhập khẩu chiếm khoảng gấp đôi GDP hàng năm. Mô hình phụ thuộc vào xuất khẩu có điểm mạnh là thu được ngoại tệ, nhưng có điểm yếu là khiến chúng ta bị phụ thuộc nhiều vào các động thái ngoài sự kiểm soát của nền kinh tế thế giới (ví dụ, các nước bạn hàng hủy đơn đặt hàng với chúng ta). Điều này chứng tỏ chúng ta phải có các kế hoạch dự phòng, hướng tới tăng cường nhu cầu tiêu dùng nội địa hơn qua các chính sách tài khóa và thuế phù hợp để ưu đãi sản xuất trong nước.
Nhưng nói rộng hơn, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tìm cách thay đổi cơ cấu nền kinh tế để có thể xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng giá trị cao, dựa trên lợi thế riêng độc đáo của mình. Như vậy về lâu dài chúng ta mới có nền kinh tế mạnh ít bị ảnh hưởng của chính sách thương mại của các nước lớn. Ví dụ như Mỹ sản xuất máy bay Boeing, hay Pháp sản xuất máy bay Airbus, họ có công nghệ độc quyền nên thậm chí còn có thể định mức giá mà họ muốn bán.
Quay trở lại với kinh tế trong nước, anh đánh giá ra sao về kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm?
Tất nhiên so với các nước trên thế giới có tăng trưởng âm, thì trong 6 tháng đầu năm, chúng ta làm tốt. Nhưng tôi cho rằng không nên quá lạc quan vào con số này. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, nhưng lại rất mở và phụ thuộc vào thị trường thế giới, nên mức tăng trưởng trong các quý tới sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ phục hồi của các nền kinh tế bạn hàng của chúng ta.
Thống kê cho thấy 30,8 triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc vì Covid-19 trong 6 tháng đầu năm. Anh đánh giá thế nào về con số này và hỗ trợ của Chính phủ với người lao động?
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra bất ngờ ảnh hưởng đến thị trường lao động không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các nước khác. Như Mỹ là một nền kinh tế lớn trên thế giới mà thời gian qua cũng có lúc tỷ lệ thất nghiệp lên mức rất cao tới 25%. Và như nêu ở trên, vì là một nền kinh tế mở nên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng Chính phủ đã có một số biện pháp hỗ trợ khá kịp thời dành cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tác hại kinh tế dịch bệnh có thể còn kéo dài. Tôi cho rằng sắp tới Chính phủ nên tiếp tục các biện pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, yếu thế bị ảnh hưởng nhiều hơn, để giữ cho tỷ lệ đói nghèo không tăng lên và đảm bảo ổn định xã hội. Mặt khác, đây là dịp để chúng ta xác định lại những lĩnh vực kinh tế ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Nếu ví nền kinh tế như cái nhà, thì đợt dịch bệnh lần này như cơn bão mạnh. Sau bão, chúng ta kiểm tra lại nhà cửa, sửa chữa những chỗ mưa dột. Nhưng về lâu dài, chúng ta cần xây dựng kiến tạo một căn nhà có rường cột (thể chế) tốt hơn, để có thể chống chọi được những cơn bão tương tự trong tương lai.
Anh đánh giá ra sao về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ VND mới được Quốc hội thông qua? Phải thực thi như thế nào để chính sách có thể tiếp cận đúng đối tượng cần?
Tôi đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ. Các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm tới 98% tổng số các doanh nghiệp, 40% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho 50% công ăn việc làm trong xã hội.
Ngoài ra, tôi cũng đã từng nêu trong một bài phỏng vấn trước đó, chúng ta cũng nên nghiên cứu xây dựng một hệ thống tính điểm giúp doanh nghiệp xếp hạng ưu tiên trợ giúp, nhất là khi thời gian trợ giúp kéo dài và ngân sách có hạn.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được nhiều điểm hơn nếu đạt được các tiêu chí như: tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho xuất khẩu, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế trọng điểm, kinh doanh có lãi trong thời gian vừa qua (ví dụ, 3 năm trở lên), hay sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường. Các tiêu chí này sẽ giúp xác định tiêu chuẩn trợ giúp công bằng và hiệu quả hơn. Chính phủ cũng nên tham khảo ý kiến và phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội sản xuất kinh doanh để tạo cơ chế giám sát công khai minh bạch.
Rất nhiều hy vọng đang được dồn vào việc đón làn sóng FDI vào Việt Nam hậu Covid-19. Nhưng trên thực tế, số liệu 6 tháng chỉ ra, số dự án góp vốn tăng nhưng số vốn góp trung bình cho mỗi dự án lại giảm. Anh có cho rằng đây là bước lùi hay không?
Tôi cho rằng đây cũng không hẳn là tin xấu. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu (global value chain) phân mảnh ở nhiều nơi khác nhau, dẫn tới chuyên môn hóa vào từng công đoạn ngày càng sâu hơn. Thành ra, có nơi thiết kế sáng tạo sản phẩm mới, mà cũng có nơi chỉ thuần túy lắp ráp đóng góp ít giá trị. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam chỉ đóng góp được nhiều nhất tới 1/3 hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm điện tử FDI xuất khẩu.
Việt Nam thời gian qua đã xóa nghèo được tốt, và đã trở thành một nước thu nhập trung bình thấp. Để vượt thoát được bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap), đã đến lúc chúng ta chuyển hướng sang chất lượng của FDI, chứ không nên chỉ nhắm vào số lượng FDI như trước kia.
Hướng đi để phục hồi nền kinh tế 6 tháng cuối năm theo anh sẽ là gì?
Tôi cho rằng nền kinh tế có hai hướng đi sắp tới. Một là xác định những ngành nghề trọng điểm cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển để đối phó với tình hình mới. Hai là chúng ta cần tích cực tìm kiếm các biện pháp vận hành nền kinh tế hiệu quả hơn, như cải cách thể chế và vận dụng tốt hơn các thế mạnh của nền kinh tế thị trường.
Tôi nêu một ví dụ cụ thể về hướng thứ hai. Một số nghiên cứu gần đây nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tiêu thụ điện trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng như chúng ta đều biết, giá điện có xu hướng tăng đều đều hàng năm. Nếu giá điện kinh doanh giảm sẽ thúc đẩy sản xuất, giúp hạ giá đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất, và hạ giá thành sản phẩm của các mặt hàng sản xuất cần dùng điện.
Không chỉ thế, giá điện giảm sẽ kéo theo nhiều loại giá dịch vụ giảm khiến nền kinh tế có thêm sức cạnh tranh. Thứ hai là hộ gia đình có thể cắt giảm chi phí sử dụng điện, nên nâng cao mức sống hơn (và do đó, tăng sức mua gián tiếp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng).
Chính phủ gần đây đã có một số biện pháp khuyến khích cạnh tranh trong ngành điện. Đây là một hướng đi đúng đắn. Chúng ta nên sử dụng quy luật cạnh tranh của thị trường, tạo điều kiện để các công ty tư nhân tham gia mọi khâu từ đầu tư hạ tầng đường truyền, đến sản xuất và bán điện.
Cũng như ngành hàng không gần đây đã cho phép nhiều hãng hàng không tư nhân tham gia, giúp nền kinh tế vận hành tốt hơn, nhiều người dân có thể đi máy bay với giá rẻ hơn. Chúng ta có thể xem xét một số ngành tương tự, đủ độ "chín" để có thể mở ra cho tư nhân tham gia.
Theo anh ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nên tập trung vào ngành kinh tế nào để hỗ trợ? Vì sao?
Như đã nêu trên, tôi nghĩ các ngành kinh tế trọng điểm cần trợ giúp có thể chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, ví dụ là ngành du lịch, ngành này tạo ra nguồn thu khoảng 30 tỷ USD trong năm qua và có xu hướng tăng trưởng mạnh trước dịch bệnh.
Ví dụ khác là ngành may mặc, giày dép. Ngành này tuy có thể không đóng góp giá trị gia tăng cao, nhưng có thể giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động nên cần được hỗ trợ, để duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với thế giới.
Nhóm thứ hai ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể hoạt động tốt hơn trong dịch bệnh, nhưng cần được giúp đỡ thêm để kéo nền kinh tế đi lên. Xu hướng của thế giới sắp tới là thương mại điện tử và các dịch vụ ngày càng số hóa. Một lợi thế của chúng ta là nguồn nhân lực có khả năng tính toán tốt nên việc sản xuất các phần mềm công nghệ thông tin có thể là một hướng đi khả quan trong tương lai.
Ví dụ cho nhóm thứ ba là ngành nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, có một vấn đề, thậm chí nghịch lý, là Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm nông nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Việt Nam nhìn chung xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn nông nghiệp. Nhưng kể từ năm 2015, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và sự chênh lệch này ngày càng tăng. Số liệu mới nhất năm 2018 cho thấy Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,6 tỷ USD, nhưng nhập khẩu tới 12,5 tỷ USD trong nông nghiệp. Như vậy nếu có biện pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và an toàn thay thế cho nhập khẩu, chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và tiết kiệm ngoại tệ.
Theo dự báo của anh, tăng trưởng quý 3 có tốt hơn so với quý 2 hay không? Và liệu tăng trưởng cả năm có thể đạt được 3-4% như Chính phủ kỳ vọng?
Trong tình hình kinh tế thế giới chững lại, tôi cho là tăng trưởng quý 3 sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố nằm ngoài kiểm soát của chúng ta. Do đó sẽ ảnh hưởng tới mức tăng trưởng như kỳ vọng. Nhưng mặt khác, nếu chúng ta nhân cơ hội này để đẩy mạnh cải cách thể chế trong ngành điện và ngành nông nghiệp, đổi mới và khuyến khích sáng tạo hơn nữa trong công nghệ thông tin thì có thể thu hoạch được kết quả khả quan cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cảm ơn anh!