Hiệu quả ban đầu từ biện pháp chống dịch của Hàn Quốc
Cuối tháng 2, Hàn Quốc đã chứng kiến sự bùng phát mạnh của dịch bệnh, với số lượng ca tăng lên nhanh chóng bắt nguồn từ ổ dịch tại giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Đến giữa tháng 4, số trường hợp nhiễm mới đã giảm xuống dưới con số 100. Quốc gia này đã bắt đầu nỗ lực xét nghiệm hàng loạt và đưa ra các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, nhưng không đóng cửa hoàn toàn hoạt động kinh doanh.
Theo Trinh Nguyen – kinh tế gia trưởng tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, do đó, Hàn Quốc đã chế ngự được virus mà không ngừng hoàn toàn các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trong cùng khu vực, gồm Ấn Độ và 1 số nước Đông Nam Á, vẫn đang thực hiện quy định phong toả nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả doanh nghiệp không thiết yếu ngừng hoạt động và người dân giảm tương tác xã hội. Những biện pháp nhằm mục đích ngăn chặn virus đó đang gây thiệt hại cho nền kinh tế các nước. Dẫu vậy, các chuyên gia y tế lại cảnh báo rằng việc dỡ bỏ sớm lệnh hạn chế, nếu không có biện pháp ngăn chặn thích hợp, có thể khiến đợt bùng phát thứ 2 xảy ra.
Chia sẻ với CNBC, Trinh Nguyen, cho biết: "Tôi cho rằng các nước nên tham khảo ‘chiến lược rút lui’ của Hàn Quốc. Chúng tôi đã nhận thấy cái giải quyết của quốc gia này đem lại hiệu quả, khi tăng trưởng GDP của quý I tăng 1,5% so với năm trước và chỉ ghi nhận mức sụt giảm liên tiếp khá nhẹ so với Trung Quốc."
Hôm thứ Năm, NHTW Hàn Quốc – BoK, đã công bố số liệu tăng trưởng của quý I/2020. Nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kết quả tốt hơn ước tính, nhưng lại có tốc độ sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo các nhà phân tích của ANZ Research. Dựa theo cơ sở điều chỉnh biến động mùa vụ (seasonal adjustment), kinh tế Hàn Quốc đã giảm 1,4% trong quý I so với 3 tháng trước đó, khi tiêu dùng tư nhân giảm tới 6,4% vì người dân hạn chế ra ngoài.
Hàn Quốc có những khó khăn gì khi mở cửa lại nền kinh tế?
Dẫu vậy, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đưa nền kinh tế trở lại mức phát triển như trước đây. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm 2% trong quý I so với 3 tháng trước. Trong 20 ngày đầu tiên của tháng 4, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa do các đối tác thương mại lớn gồm châu Âu và Mỹ vẫn đang trong thời gian phong toả.
Các nhà kinh tế đều đồng tình rằng, hoạt động trên toàn cầu trở nên trì trệ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý II. Trinh Nguyen cho biết: "Nhu cầu từ phần còn lại trên thế giới sụt giảm sẽ tác động tiêu cực đến Hàn Quốc trong quý II. Tôi cho rằng các biện pháp hỗ trợ nên tập trung ở lĩnh vực đó."
Hôm 22/4, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố gói cứu trợ trị giá 40 nghìn tỷ won (32 tỷ USD) đối với các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, như hàng không và vận chuyển, cũng như kế hoạch hỗ trợ thêm 10 nghìn tỷ won.
Các nhà kinh tế của Citigroup cho rằng chính phủ Hàn Quốc sẽ chi mạnh tay hơn trong quý II và tiêu dùng tư nhân sẽ chứng kiến sự hồi phục nhẹ. Dẫu vậy, sự hồi phục này vẫn có thể là một thách thức, khi tiêu dùng tư nhân lại phụ thuộc vào yếu tố kinh tế vĩ mô và việc làm.
Trinh Nguyen giải thích rằng ngay cả khi số ca nhiễm giảm bớt, thì việc tiêu dùng ở lại mức bình thường phụ thuộc vào tâm lý sẵn sàng chi tiêu của người dân, liệu họ có thực sự muốn mua sắm, chi tiền hay không.
Theo Lloyd Chan – kinh tế gia tại Oxford Economics, ngoài tâm lý tiêu dùng và hoạt động kinh doanh yếu đi, thì một trở ngại khác trong quá trình hồi phục nhu cầu trong nước là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Trinh Nguyen dự đoán rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm tốc trong quý II và quý III, sau đó sẽ tăng tốc ở quý IV. Đối với cả năm nay, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,5% so với năm ngoái.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ANZ cho biết sự phục hồi ở nửa sau của năm có thể diễn ra, nhưng vẫn phụ thuộc vào tốc độ dập dịch trên toàn cầu và tốc độ bình thường hoá hoạt động kinh tế sau thời gian phong toả của các đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc.
Tham khảo CNBC