Rủi ro lãi suất tăng
Tại một hội thảo về bất động sản diễn ra sáng nay (6/12) ở TP HCM, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng.
Ông Lực phân tích một số nước sẽ thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, như Mỹ hoặc EU, Nhật Bản, do đó lãi suất toàn cầu tăng lên tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư (từ khu vực lãi suất thấp sang lãi suất cao). Do đó, Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất theo đà tăng của thế giới, điều này là rủi ro mà doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, ông Lực nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu từ ông Lực, tổng dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh BĐS đến hết tháng 6/2018 là 510.000 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng vào bất động sản và xây dựng chiếm khoảng 16%.
Trong tín dụng tiêu dùng, cho vay sửa nhà, mua nhà chiếm 50%. Như vậy tính tổng dư nợ tín dụng vào bất động sản đâu đó khoảng 20%.
Tuy nhiên, khi thu hẹp vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó trong huy động vốn, cần chủ động tìm nguồn vốn tư nhân, vốn từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI), vốn từ thị trường chứng khoán.
Liên quan đến vốn, ông Lực còn chỉ ra thị trường bất động sản gặp khó khi chưa có thị trường tài chính thứ cấp (mua bán nợ bất động sản, chứng khoán hóa bất động sản, mua bán chứng chỉ đầu tư bất động sản); định giá, xử lý tài sản là bất động sản còn khó khăn kéo dài; định chế tài chính chưa đa dạng (chưa có các loại định chế tài chính như quỹ tín thác đầu tư, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở).
TS. Cấn Văn Lực với bài phát biểu. Ảnh: Thu Thanh.
Những gam màu sáng
Cũng theo TS. Lực, mặc dù sẽ có một số rủi ro, thách thức nhưng Việt Nam vẫn có nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế. Việt Nam là một trong 5 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan nhất châu Á, năm 2018 dự kiến khoảng 7%.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/11 khoảng 12%. Cả năm, con số này khoảng 14 - 15%, không nhất thiết phải tới mức trần 17% như kế hoạch. Trong đó, tín dụng tiêu dùng tăng cao nhất trong 5 năm, đạt 11%, trong đó liên quan nhiều đến bất động sản.
Việt Nam cũng có tăng trưởng về nguồn vốn FDI. Trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư mới gần 31 tỷ USD, giải ngân 16,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ giá mất giá 2,74% trong 11 tháng. TS. Lực đánh giá đây là mức tương đối ổn định và chấp nhận được so với nhiều đồng tiền khác.
Năm 2019, TS. Lực dự báo kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,5 - 6,8%, lạm phát nhích thêm, có thể vượt 4%. Tuy nhiên Chính phủ vẫn quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô.