Danh hiệu không lấp lánh
Hoa hậu Việt Nam 2010 - Ngọc Hân đã phải trả lời một câu hỏi khó về khởi nghiệp. Trong chương trình giao lưu trực tuyến “Khởi nghiệp Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?” do báo Thanh Niên tổ chức, một khán giả đã hỏi chủ nhân của thương hiệu Áo dài Ngọc Hân rằng, việc thi hoa hậu có được coi là khởi nghiệp hay không?
“Hân không thể biết các cô gái trẻ, kém Hân 7 tuổi, 10 tuổi thực sự đang nghĩ gì khi đến với các cuộc thi như vậy. Câu hỏi “Thi hoa hậu có phải là khởi nghiệp không” chắc phải đặt cho những cô gái trẻ vừa đăng quang. Còn với mình, đó chắc chắn không phải khởi nghiệp. Có người bạn nói rằng nếu Hân không phải hoa hậu thì sẽ không có được thành công như hôm nay. Đúng. Không bao giờ tôi phủ nhận sức nặng của danh hiệu hoa hậu đã đem đến cho tôi. Nhưng nếu không có sự nỗ lực, cố gắng của bản thân thì liệu mình có được những cái như bây giờ mình có hay không. Phải có sự hài hòa giữa nhiều yếu tố” - Đặng Thị Ngọc Hân trả lời.
Chuyên gia kinh tế Vương Quân Hoàng cho rằng, khởi nghiệp đang được một số bạn trẻ coi là trang sức. Việc đồng nghĩa “khởi nghiệp” với “làm chủ” cũng rất sai và không đúng tinh thần khởi nghiệp. Xét về chuỗi giá trị, doanh nghiệp được thành lập ra nhằm giải quyết một vấn đề của thị trường và họ phải làm thuê cho doanh khác. Ranh giới giữa làm thuê và làm chủ đã trở nên mờ nhạt và điều đọng lại lớn nhất là hệ giá trị của của con người. Khởi nghiệp không đơn giản và tấm huy chương đó cũng chẳng có gì lấp lánh mà rất gồ ghề, xù xì.
Đồng nghĩa "khởi nghiệp" với "làm chủ" là sai và không đúng tinh thần khởi nghiệp.
Theo ông Vương Quân Hoàng, có hai điều cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp: Thứ nhất, tối ưu hóa hành vi con người; Thứ hai, rèn giũa bản thân. Con người không thể nào biết trước được điều gì đang chờ đợi trước mặt. Ngay cả Ngọc Hân cũng chỉ mới biết lợi nhuận từ việc kinh doanh áo dài trẻ em rất thấp, khi được đam mê dẫn dắt. Do đó, việc có thể làm được trước khi khởi nghiệp là tối ưu hóa hành vi và rèn luyện các phẩm chất.
“Truyền thông có nhắc đến một ông già 65 tuổi ở Nhật Bản dành cả đời để rèn kiếm. Rèn làm gì khi khoa học kỹ thuật quá phát triển như ngày nay? Ông ấy đang rèn văn hóa. Đến bây giờ ông ấy mới nói rằng đã biết được một vài kỹ thuật trong rèn kiếm. Chúng ta mua hàng Nhật cũng vì nó tinh tế hơn một chút, tốt hơn một chút. Như vậy các bạn cần có được các kỹ năng sau nhiều giờ lao động. Bản thân tôi cũng đã chấp nhận thất bại 1 lần rồi 2 lần thì mới có thể bước vào chỗ thứ 11 của cuộc đời” - ông Vương Quân Hoàng chia sẻ.
Tài trợ tiền cho startup là trao đi liều thuốc độc
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khẳng định, hỗ trợ khởi nghiệp không có nghĩa là tài trợ tiền. Bởi lẽ khi có tiền thì các bạn trẻ sẽ tính toán về việc cống hiến. Chính điều này đã dẫn đến thực tế, một số bạn trẻ trở thành người dự thi chuyên nghiệp và liên tục góp mặt trong nhiều chương trình khởi nghiệp. Dự án khởi nghiệp cũng chẳng bao giờ được thực hiện vì bận phải theo chủ nhân đi dự thi.
“Tôi thích việc đưa sách để thanh niên đọc và tổ chức các buổi thảo luận. Anh phải đọc phải cày bừa. Tôi thích khái niệm khổ luyện. Không có gì không khổ luyện mà thành công, nếu có cũng không bền. Ý này nằm trong cuốn Nghĩ giàu làm giàu (Napoleon Hill) và cuốn Quốc gia khởi nghiệp (Dan Senor, Saul Singer). Không phải tôi đọc rồi cắt ra mấy câu để uống, nhưng mình thấy có những điểm chung như vậy” – bà Vũ Kim Hạnh cho biết.
Cam và dệt may từng là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Israel, trước khi nước này trở thành nơi đặt trung tậm nghiên cứu của trên 300 công ty hàng đầu thế giới.
Theo bà Hạnh, vị trí của khởi nghiệp Việt Nam ở đâu so với thế giới không thể hiện qua bảng xếp hạng. Nông nghiệp Việt Nam đứng top thế giới nhưng nông dân chỉ nhận được giá trị cực thấp, đất nước phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường. Đối với khởi nghiệp, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tốt.
“Điều tôi thấy là cần phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, quan trọng là chính sách và giáo dục. Người Israel dạy con trẻ té thì tự đứng dậy, muốn biết về lửa thì tự đốt. Tôi thấy thanh niên họ xung phong vào quân đội. Hỏi ra mới biết họ muốn học tinh thần đồng đội và tìm đối tác sau khi ra khỏi quân đội. Tức họ tham gia quân ngũ để kết nối với đồng đội và những người này sẽ trở thành đối tác trong kinh doanh. Israel cũng xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp lớn biết chăm lo cho doanh nghiệp nhỏ. Nhưng daonh nghiệp nhỏ thì không dựa dẫm mà luôn vươn lên. Singapore, Thái Lan đã làm được tốt nhưng tôi chưa thấy điều đó ở Việt Nam” – bà Hạnh khẳng định.
Ngọc Hân thừa nhận rằng, cô đang gặp nhiều khó khăn và luôn phải học tập để điều hành hoạt động thương hiệu thời trang. Nếu có thể, cô rất muốn được đi làm thuê để có thể học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm. “Biết đâu đó khi làm thuê tôi sẽ không thích khởi nghiệp nữa và cả thấy hài lòng với việc làm thuê!” – Ngọc Hân nói.