Chỉ tính trong nửa đầu tháng 7/2024, trên thị trường đã có 10 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm . Các ngân hàng tăng lãi suất gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank và KienLong Bank. Trước đó, trong tháng 6/2024 cũng đã có trên 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm .
Tính đến cuối tháng 6/2024, lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng đã tăng 10-30 điểm cơ bản (0,1 điểm % - 0,3 điểm %) so với vùng đáy ở các kỳ hạn ngắn 1-12 tháng. Điều này đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng thêm 70-100 điểm cơ bản (tương ứng 0,7 điểm % - 1 điểm %) từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021.
Trong đó, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế carry trade (Giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ).
Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất tiết kiệm ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Cũng theo các nhà phân tích tại KBSV, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trước những động lực chính bao gồm: Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; Sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; và Thị trường bất động sản khởi sắc.
Trên thực tế, tín dụng trong quý 2 đã ghi nhận sự cải thiện, tính đến ngày 28/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 14,3 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Chỉ trong 6 tháng, có thêm gần 1 triệu tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế. Riêng trong tháng 6-2024, có tới 270.000 tỷ đồng được cho vay ra.
Tín dụng tăng mạnh chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, từ quý II/2024, tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới. Với mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định.
"Chúng tôi dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024", ông Quang đưa ra nhận định.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo "chưa dứt đà tăng", song bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo lãi suất cho vay tiếp tục giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
"Mặc dù lãi suất trên thế giới vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu giảm, song Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng", bà Hằng cho biết.
Các chuyên gia nghiên cứu Công ty chứng khoán VDSC cho rằng, lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5 - 1%, trở về mức trung bình trước dịch Covid-19. Tuy vậy, mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô khác nhau.