Thông tin được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố trong một báo cáo gần đây.
Theo VEPR, Việt Nam đang nổi lên như một công xưởng toàn cầu, chuyên môn hoá ở khâu lắp ráp. Hiện ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm 42% và 40% giá trị xuất khẩu năm 2017 so với con số lần lượt là 11% và 41% ở năm 2006.
Sự nhảy vọt này là nhờ vào chiến lược hướng vào ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng điện tử với sự tham gia của những ông lớn như Samsung, Intel, IBM…Ngoài điện tử, Việt Nam cũng tích cực tham gia trong ngành thực phẩm, đồ uống, may mặc, giày dép. Nhờ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã có thêm nhiều cơ hội về việc làm, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý.
Nhưng VEPR cũng cho rằng lợi ích từ việc tham gia chuỗi này không thể tự xác định. Nó phụ thuộc vào việc quốc gia liên kết chuỗi là liên kết xuôi hay liên kết ngược và phụ thuộc vào vị trí của mỗi quốc gia trong chuỗi đó.
Trong cấu trúc thương mại của Việt Nam, tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian là 47,9%, lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu. Phần hàng hoá trung gian này đa số phục vụ cho các doanh nghiệp FDI lắp ráp rồi xuất khẩu. Nghĩa là sự tham gia của Việt Nam lệch về phía sau, tức là liên kết ngược.
VEPR cho biết mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam theo dấu chân của Mexico trở thành trung tâm sản xuất của các công ty đa quốc gia nhưng thu nhập chính chỉ từ lương, không phát triển được năng lực công nghiệp nội địa.
Mô hình này khác với mô hình từng được áp dụng bởi Đức, Nhật và các quốc gia thuộc nhóm quốc gia 4 con hổ Châu Á.
Ở Mexico, mô hình này đến nay vẫn không thể thành công. Nó được biểu hiện bằng việc GDP nước này tăng chậm dần, năng suất lao động không đổi, và năng suất yếu tố tổng hợp âm. Với mức sống tăng lên, lợi thế lao động rẻ không còn trong tương lai, làn sóng công việc gia công lắp ráp sẽ chảy ra nước ngoài để lại nguy cơ thất nghiệp lớn cho Việt Nam.
VEPR nhấn mạnh việc gia công lắp ráp cần gắn với phát triển năng lực nội địa và nền tảng công nghệ quốc gia. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị bao gồm: Nâng cấp sản phẩm, quy trình, chức năng và nâng cấp ngành. Thông qua đó giúp Việt Nam chuyển từ trung gian lắp rắp thành nhà sản xuất địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải ứng dụng các công nghệ mới. Công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, VEPR cũng lưu ý Việt Nam đối diện với sự dịch chuyển việc làm từ thị trường lao động tay nghề thấp sang thị trường lao động có tay nghề cao, và mô hình tích hợp quy trình sản xuất sẽ đưa các nhà máy sản xuất đến gần với khách hàng hơn.
"Việt Nam sẽ đối mặt rủi ro nếu các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam rời khỏi nơi đây vì một hoặc cả hai mục đích này", VEPR cho biết. Do vậy, Việt Nam cần phải nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu.