Chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến của Chứng khoán MB (MBS), ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS đã có đánh giá về kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam theo các góc nhìn khác nhau,
Đầu tiên, ông Sơn xem xét thị trường dựa trên thanh khoản - yếu tố được xem là quyết định tất cả. Trong thời gian qua, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng rất mạnh với hàng loạt phiên giao dịch tỷ đô, ngang bằng với một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
"Nếu thị trường tiếp tục duy trì thanh khoản trên mức 20.000 đến 25.000 tỷ đồng thì chúng ta có rất nhiều cơ hội và dòng tiền hiện vẫn đang ở lại thị trường. Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán đang được đánh giá vừa là kênh thanh khoản nhất, vừa là kênh hấp dẫn nhất", chuyên gia của MBS chia sẻ quan điểm.
Nguồn: MBS
Về diễn biến trong quý cuối năm 2021, ông Sơn đánh giá hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng bởi những "làn gió ngược" tiêu biểu là việc GDP tăng trưởng âm trong quý 3. Nhà đầu tư thì đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết, "một khi luồng thông tin này được công bố cũng là lúc giá cổ phiếu sẽ được định giá lại", ông Sơn cho hay.
Nhìn lại thời kỳ 6 tháng đầu năm 2021, giá cổ phiếu đã tăng rất "nóng", hầu như đã phản ánh toàn bộ kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong 6 – 9 tháng vừa qua. Sau khi kết quả kinh doanh quý 3 được trình diện, ông Sơn dự báo những doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô như giá hàng hóa, từ yếu tố nội tại như thanh khoản thị trường là ngành chứng khoán hay mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục ghi nhận là các điểm sáng, do đó dòng tiền sẽ tái phân bổ lại vào những nhóm cổ phiếu này.
Trong ngắn hạn, việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể giảm dần bảng cân đối tài sản vào tháng 11 tới đây sẽ không gây ra tác động đáng kể, và các cú sốc lớn là gần như không có vì thị trường đã có sự chuẩn bị trong vòng vài tháng vừa qua, đồng thời động thái của FED sẽ là giảm dần thay vì lập tức thắt chặt như hồi năm 2018.
Ông Sơn cho rằng thời điểm hiện tại nhiều yếu tố đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, song ông cũng nhân mạnh rằng hiện thị trường đang ở trong một chu kỳ mới, thể hiện qua việc thanh khoản đã lên mức cao mới, lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo hơn và chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng kháng cự cũ là 1.200 điểm để giao dịch tại vùng điểm mới.
VN-Index hướng tới vùng đỉnh 1.600 – 1.700 điểm trong năm 2022
Tiến nối diễn biến kể từ thời điểm năm 2020, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá thị trường chứng khoán đang ở trong sóng IV của sóng Elliott. Đặc điểm cho giai đoạn này chính là việc thị trường chủ yếu side-way, liên tục điều chỉnh và tích lũy cho đến khi những thông tin tiêu cực được hấp thụ hết. Qua đó, thị trường sẽ đón sóng trong quý 4/2021 một cách tích cực hơn.
Dự báo kịch bản của chỉ số VN-Index theo sóng Elliott (ảnh chụp màn hình)
Hiện tại, mức độ dao động của VN-Index đang hẹp dần cho thấy thị trường đã và đang tích lũy tốt. Kết hợp với yếu tố thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, do đó chuyên gia đến từ MBS đánh giá đây là thời điểm tích lũy cổ phiếu tốt cho chu kỳ kết quả kinh doanh quý 4 và sang cả năm 2022.
"Chúng tôi nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn mới với xu hướng tích cực khi giữ vững đà uptrend qua từng tháng. Với kịch bản như vậy, sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.424 điểm thì thị trường có thể bước vào sóng V với vùng đỉnh khoảng từ 1.600 – 1.700 điểm trong năm 2022", ông Sơn chia sẻ khi xây dựng kịch bản cho thị trường chứng khoán đến năm sau.