Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong quý 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục tích cực trong quý 3 với sự dẫn dắt của các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán. Liệu đà tăng của thị trường có còn duy trì vững chắc hay không trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ về diễn biến nền kinh tế cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán những tháng cuối năm.
BTV Mùi Khánh Ly: Lạm phát của Mỹ và nhiều quốc gia đã bắt đầu hạ nhiệt trong tháng 7, liệu kinh tế toàn cầu đã qua giai đoạn nhiều lo ngại nhất?
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, CTCP Chứng khoán MB (MBS): Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là những nền kinh tế đầu tàu trên thế giới đã trải qua thời điểm tương đối khó khăn và nhìn một cách chính xác là đang trải qua một đợt suy thoái nhẹ nhàng. Kinh tế Mỹ đã có hai quý liên tiếp GDP tăng trưởng âm, tuy nhiên, áp lực chủ yếu là câu chuyện về lạm phát cao. Còn khu vực Châu Âu sẽ mang tính phân hóa. Với một số nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ cuộc xung đột Nga và Ukraine như nền kinh tế Đức, Hungary có thể sẽ có những cuộc suy thoái khá sâu. Trong khi một số nền kinh tế tự chủ hơn về năng lượng như Pháp có thể suy giảm chậm hơn.
Còn nhìn vào kinh tế Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc đang chịu những áp lực liên quan đến thị trường bất động sản, cũng như chính sách Zero-Covid gây ra những khó khăn lớn trong việc phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên theo IMF, kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 4%.
Theo góc nhìn của tôi, chúng ta đang bước vào một cuộc suy thoái, với góc nhìn tích cực thì áp lực lạm phát tại một số thị trường đã có xu hướng giảm. Một số loại hàng hóa cơ bản như dầu khí đã có xu hướng tạo đỉnh và đi xuống rất rõ. Trong thời gian tới rất khó để giá cả hàng hóa cơ bản có thể tăng trở lại. Yếu tố này sẽ khiến cho các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có thêm dư địa để giảm bớt áp lực về việc tăng lãi suất, qua đó sẽ giảm áp lực cho nền kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn có một số tín hiệu lạc quan.
Kinh tế toàn cầu dần ổn định hơn, còn kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi tốt, doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng 2 con số đã giúp cho thị trường tăng trở lại và theo ông đâu là nhóm ngành phục hồi tốt nhất trong đợt này?
Kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng rất ấn tượng và trong năm nay nhiều định chế tài chính cũng dự kiến Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức trên 7%. Tôi cũng hoàn toàn lạc quan cho rằng chúng ta có thể đạt được mức này khi mà năm ngoái phải chịu một áp lực rất lớn trong quý 3 bởi dịch bệnh Covid 19. Trong năm nay chỉ cần nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường và tất cả các dịch vụ hàng hóa như du lịch, hàng không trở lại bình thường sẽ giúp tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một lợi thế, trong những năm 2020 và 2021, Ngân hàng Nhà nước đã rất sáng suốt khi không bung mở tín dụng và hạ lãi suất quá nhiều. Điều đó khiến áp lực lạm phát của Việt Nam về phương diện tiền tệ không mạnh mẽ như một số các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chính vì lợi thế đó, hiện tại Ngân hàng Nhà nước cũng không có quá nhiều áp lực trong việc phải tăng các mức lãi suất điều hành. Do đó, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, môi trường vĩ mô vẫn tương đối ổn định và thuận lợi, phần thưởng sẽ đến cho những nhà đầu tư có góc nhìn phân tích sâu sắc cũng như có sự quyết đoán trong thời điểm vừa qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi tạo đáy ở vùng 1.147 điểm đã có một nhịp phục hồi khá mạnh trong một vài tuần qua và mức phục hồi là trên 100 điểm. Gần như thị trường phục hồi toàn diện, nhưng những nhóm ngành tăng mạnh nhất vừa rồi là ngân hàng và chứng khoán.
Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 2 kém ấn tượng hơn đáng kể so với quý 1, nhưng đó là thời điểm đáy của thị trường về cả điểm số và thanh khoản.
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường trong hơn một tháng qua, thêm vào đó là việc phục hồi về thanh khoản, kết quả kinh doanh quý 3 của các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ có cải thiện đáng kể.
Về nhóm ngân hàng, nhiều người lo ngại việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng mà là hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng ở một số phân khúc để nắn luồng tín dụng vào những hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ tiếp tục nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Mức tăng trưởng đó tôi cho rằng hoàn toàn đảm bảo về tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, chứng khoán, thì nhóm ngành thép cũng đang được nhà đầu tư quan tâm, dù kỳ vọng vẫn còn khó khăn đối với nhóm ngành này, nhưng giá cổ phiếu đã có sự phục hồi hơn, theo ông vì sao?
Thép là ngành hàng hóa cơ bản nên các yếu tố mang tính chu kỳ rất cao. Các công ty thép niêm yết trên sàn không có vấn đề gì về năng lực sản xuất, về khả năng cạnh tranh, về chất lượng sản phẩm và các kênh bán hàng. Nhưng trong thời gian vừa qua giá thép vẫn tiếp tục suy giảm. Giá thép xây dựng đã giảm lần thứ 14 liên tiếp nên biên lợi nhuận của các công ty thép trong quý 2 vừa qua đã ảnh hưởng.
Hiện nay, có thể kỳ vọng rằng giá thép sẽ dần tạo đáy khi nền kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ và ngành xây dựng cũng có sự phục hồi. Nếu chúng ta nhìn vào câu chuyện của Hòa Phát thì thấy câu chuyện khá rõ. Hòa Phát vẫn đang tiếp tục tiến tới là một doanh nghiệp hàng đầu. Dòng tiền của công ty tại thời điểm hiện tại rất lành mạnh và có nhiều triển vọng tăng trưởng thời gian tới khi công ty còn dự kiến mở rộng quy mô của Dung Quất giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc hoạt động trong một lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật liệu xây dựng thì không thể không chịu tác động của vấn đề về giá. Lợi nhuận giảm xuống khi giá thép không còn thuận lợi như trước, nhưng có thể thấy rằng quý 2 cũng là thời điểm đáy lợi nhuận của Hòa Phát.
Trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá rằng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ dần dần phục hồi tích cực. Nếu từ góc nhìn đầu tư dài hạn thì tôi khuyên các nhà đầu tư nên đầu tư vào cổ phiếu giá thép ở mức rất thấp và đợi đến lúc giá thép ở mức cao, đó mới chính là phương pháp đầu tư chắc chắn và khôn ngoan, chúng ta đầu tư cần phải nhìn thấy câu chuyện của tương lai.
Trong nhóm dẫn dắt thị trường còn có nhóm bất động sản, nhà đầu tư cũng đang chờ đợi sự quay trở lại của nhóm ngành này, theo ông vì sao?
Trong năm nay về tổng thể nhóm bất động sản chúng tôi đánh giá trung tính. Chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước cũng như của Chính phủ về việc nắn dòng vốn của toàn xã hội vào những hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế là rất đúng. Do đó, những cơn sóng hay những điểm nóng của bất động sản sẽ không xuất xuất hiện trong năm nay.
Tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021, bởi vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên sự triển khai các dự án bất động sản, đặc biệt dự án nhà ở khu đô thị đáp ứng nhu cầu ở thật của người dân được triển khai không nhiều, khiến cho nguồn cung sẽ ít đi đáng kể, đặc biệt ở khu vực TP. Hồ Chí Minh. Với những yếu tố đó, chúng tôi đánh giá rằng một số công ty bất động sản có sẵn sản phẩm để bán, triển khai dự án tốt vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận rất lớn trong năm nay.
Thời gian qua còn xuất hiện một số nhóm ngành vẫn tăng giá tốt dù thị trường biến động như nhóm dầu khí, công nghệ, bán lẻ…theo ông đà tăng này có khả năng duy trì nữa không?
Về nhóm ngành dầu khí, nhiều nhà đầu tư thắc mắc tại sao lại nhóm ngành dầu khí lại phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tạo đỉnh đi xuống, thậm chí kết quả kinh doanh quý 2 vừa rồi cũng không quá ấn tượng. Tôi đánh giá rằng đang có kỳ vọng lớn vào các dự án có thể được triển khai vào tháng 5/2023. Dự án này rất lớn và GAS là chủ đầu tư, các công ty có thể được hưởng lợi đáng kể từ dự án này như PVS, PVD.
Còn đối với nhóm ngành bán lẻ, rất dễ để dự đoán về kết quả tăng trưởng trong quý 3 và thậm chí cả năm nay. Ngoại trừ MWG có sự chững lại, còn DWG, FRT, PNJ có kết quả kinh doanh khả quan nên khá giữ giá.
Tuy nhiên, cũng chính vì câu chuyện đó khá rõ ràng nên khi thị trường phục hồi mạnh thì nhóm cũng này cũng chỉ phục hồi mức độ vừa phải. Câu chuyện tốt cũng đã phản ánh vào giá và nhiều nhà đầu tư đã hiểu câu chuyện đó.
Còn nhóm ngành công nghệ như FPT chúng tôi vẫn đánh giá là rất tiềm năng. Công ty sẽ tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng trong tương lai thì về mảng phần mềm cũng như mảng chuyển đổi số.
Trong các đợt suy thoái, sau khi giảm mạnh, thị trường bao giờ cũng có một nhịp phục hồi mạnh trước khi quay đầu giảm thêm, rồi mới chính thức bước vào giai đoạn phục hồi dài hơi hơn? Liệu lần này có giống như vậy không?
Thực tế, mốc điểm xung quanh mức 1.050 điểm của VN-Index là chỉ số đã test 3 lần, một lần đầu tiên là giảm, sau đó đã có một nhịp phục hồi ngắn, khoảng hơn một tuần, sau đó giảm tiếp một lần nữa và tiếp tục có một nhịp phục hồi dài hơn lên mức trên 1.300 điểm, cuối cùng lại có một nhịp test xuống mức 1.147 điểm. Như vậy, nếu như giả thiết nêu trên đúng thì thực tế thị trường cũng đã kiểm nghiệm đáy đến 3 lần nên mốc đáy này cũng tương đối vững. Vì vậy, tôi cho rằng thị trường có thể có một nhịp điều chỉnh nhưng khả năng quay trở lại đáy cũ rất ít.
Trước đây, chúng ta lo ngại về một cuộc suy thoái xảy ra ở Mỹ và ở khu vực Âu châu, về lạm phát, về xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhưng tại thời điểm này, câu chuyện suy thoái của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã có sự phục hồi đi lên ấn tượng, lạm phát đã tạo đỉnh đi xuống, ở Châu Âu cũng đã có xu hướng giảm. Còn ở Việt Nam, sự suy giảm của giá xăng dầu, áp lực lạm phát sẽ không còn mạnh mẽ như trước nữa. Về tổng thể, không thể kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới với môi trường lãi suất đang có xu hướng tăng lên và câu chuyện của COVID-19 sẽ không thể lặp lại nữa. Với một nền lãi suất mới như vậy thì định giá của các tài sản tài chính nói chung và thị trường, các cổ phiếu nói riêng sẽ phải có mức định giá thấp hơn.
Do đó, tôi lạc quan về yếu tố phục hồi của thị trường nhưng quá trình phục hồi đó sẽ diễn ra rất chậm chạp, rất từ tốn và rất mang tính phân hoá những mã cổ phiếu, tập trung vào những công ty có kết quả kinh doanh ấn tượng và dẫn đầu. Ngoài ra, xen lẫn quá trình đi lên đó là những nhịp điều chỉnh bởi dòng tiền rẻ và dễ dãi của năm 2020 và 2021 đã không còn nữa. Bây giờ câu chuyện là các công ty phải đi lên bằng thực lực.
Vậy nhà đầu tư nên có phương án như thế nào vào giai đoạn này?
Trong những thời điểm bi quan nhất của thị trường khi ở ngưỡng 1.150 điểm, rất nhiều nhà đầu tư hỏi ý kiến của tôi về việc nên làm gì. Các nhà đầu tư nên hiểu rằng thị trường chứng khoán sẽ đi vào giai đoạn đi lên nhưng chậm chạp và xen lẫn đó những nhịp điều chỉnh. Các nhà đầu tư nên dũng cảm, kiên nhẫn và chờ đợi để mua các cổ phiếu mà mình đánh giá cao về triển vọng kinh doanh, cũng đừng nên mua vào những thời điểm mà thị trường sôi động quá bởi thị trường sẽ không lên nhanh, lên mạnh như năm 2021 và 2020.
Về tổng thể năm nay sẽ hết sức phân hóa, kể cả trong một nhóm ngành thì sẽ bao phủ những công ty ấn tượng nhất thôi, không phải toàn bộ.
Ví dụ, nhóm cổ phiếu chứng khoán, chúng ta nên tập trung vào những công ty chứng khoán hàng đầu và có hoạt động dịch vụ cũng như là tệp khách hàng tăng trưởng mạnh, nên tránh những công ty chứng khoán sử dụng quá nhiều hoạt động tự doanh. Bởi vì với thị trường chứng khoán diễn biến chậm chạm như thế này thì rõ ràng hoạt động kinh doanh rất khó để kiếm được lợi nhuận và nếu không cẩn thận có thể bị lỗ nữa.
Đối với nhóm ngân hàng thì chọn những ngân hàng lành mạnh, có tệp khách hàng mở rộng, có CASA tốt, có khả năng giữ được biên lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất tăng lên và đặc biệt được hỗ trợ để nới tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng như vậy sẽ được chọn lọc để gia tăng tăng trưởng tín dụng thời gian tới và giá cổ phiếu các ngân hàng đó sẽ có xu hướng gia tăng.