Bước sang năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam có Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Bàn về việc làm thế nào để Việt Nam trở thành một trong những Trung tâm đổi mới và khởi nghiệp hàng đầu châu Á, ông Marcin khẳng định, "chìa khóa" ở đây là sự hợp tác giữa tất cả các thành phần kinh tế: khối nhà nước, doanh nghiệp lớn, công ty khởi nghiệp và viện nghiên cứu…
Theo như quan sát của ông tại các nước khác, vai trò quan trọng nhất của trung tâm đổi mới trong việc thúc đẩy chiến lược quốc gia cách mạng 4.0 là gì?
Tôi cho rằng, trung tâm đổi mới đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy và nhân rộng công cuộc chuyển đổi cách mạng 4.0 của mỗi quốc gia. Bởi đó là minh chứng cho năng lực đổi mới, số hóa chuỗi giá trị, và là cơ sở để thí điểm và nhân rộng công nghệ tối tân. Trung tâm đổi mới thường là nơi để doanh nghiệp tìm đến để "cảm" và "quan" thực tế quá trình biến chuyển đổi số thành những giải pháp cách mạng 4.0 thiết thực.
Cụ thể, Trung tâm đổi mới thể hiện phương pháp chuyển đổi gồm ba thành phần để nhân rộng Cách mạng 4.0, giúp doanh nghiệp chuyển đổi về căn bản kết quả và mô hình kinh doanh, xây dựng một hệ sinh thái tập trung gồm các công nghệ có thể nhân rộng, và nuôi dưỡng văn hóa tổ chức giúp duy trì nỗ lực chuyển đổi.
Trên thực tế, các trung tâm hàng đầu trên thế giới đều có uy tín và đem đến cơ hội hợp tác với các đại tập đoàn đầu ngành, cơ quan nhà nước và tổ chức nghiên cứu. Triển lãm công nghệ được thiết kế riêng cho các lĩnh vực của nền kinh tế mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, ban đầu Trung tâm đổi mới có thể chú trọng vào các ngành công nghiệp phát triển nhanh như điện tử hay xe hơi.
Trong những năm qua, năng lực đổi mới của Việt Nam tăng không ngừng, nhưng đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn còn khiêm tốn (tổng chi tiêu của cả nước cho nghiên cứu phát triển chỉ đạt 0,52% GDP). Việt Nam cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
Trung tâm đổi mới đóng vai trò đi đầu trong việc thiết lập cơ chế tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trung tâm lại không thể hành động đơn độc. Do vậy, theo tôi, cần thiết lập cơ chế hợp tác với các đơn vị thuộc khối nhà nước và tư nhân, gồm các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh n ghiệp tư nhân lớn, công ty công nghệ, và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo nghiên cứu của McKinsey về Cách mạng 4.0 tại ASEAN, mặc dù 79% doanh nghiệp được khảo sát đã biết tới Công nghiệp 4.0, nhưng chỉ có 52% đã xây dựng lộ trình cách mạng 4.0 rõ ràng, và tỷ lệ doanh nghiệp đã triển khai thành công các sáng kiến còn rất khiêm tốn, chỉ 13%.
Như vậy, tôi cho rằng có 2 hướng đi quan trọng doanh nghiệp cần cân nhắc để có thể thực sự khai thác tiềm năng của cuộc cách mạng 4.0. Thứ nhất, chú trọng những công nghệ có tác động tiềm năng lớn nhất đối mục tiêu chiến lược. Cần hiểu chi phí và lợi ích của đầu tư vào công nghệ, và hợp tác với nhà cung cấp phù hợp để có thể đem lại kết quả chất lượng cao.
Thứ hai, xây dựng một hệ sinh thái đáng tin cậy. Tại ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, doanh nghiệp thường chỉ hợp tác trong nội bộ tổ chức. Vì vậy, có thể đẩy nhanh tốc độ áp dụng công nghệ bằng cách xây dựng một hệ sinh thái hợp tác với các đơn vị trong khối nhà nước (Chính phủ và cơ quan nhà nước), viện nghiên cứu, viện hàn lâm, công ty khởi nghiệp, nhà cung cấp công nghệ và doanh nghiệp lớn.
Sự hợp tác đó sẽ góp phần củng cố năng lực chia sẻ thông tin, hỗ trợ mở rộng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNVVN đang phải đau đầu với bài toán "con gà hay quả trứng có trước" (Lấy tiền từ đâu để đầu tư khoa học công nghệ? Nhưng nếu không đầu tư thì lại không thể có sản phẩm tốt). Vậy thì làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam giải quyết bài toán này?
Với những thị trường vẫn còn non trẻ như Việt Nam, cần có một hệ thống để hướng dẫn cho doanh nghiệp về các giải pháp Cách mạng 4.0 và tăng cường những kỹ năng, năng lực cần nhân rộng.
Bởi vậy, trung tâm đổi mới có thể giúp đẩy mạnh hoạt động này bằng cách xây dựng một hệ sinh thái đáng tin cậy. Trong đó, các đối tác sẽ giúp đỡ lẫn nhau về mặt nguồn lực, kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy chuyển đổi Cách mạng 4.0.
Tôi cho rằng có 4 thành phần chính tham gia hệ sinh thái này. Thứ nhất là khối nhà nước, cung cấp vốn và các biện pháp khuyến khích nhằm tạo điều kiện đầu tư ban đầu vào nền công nghiệp 4.0.
Thứ hai là viện nghiên cứu, viện hàn lâm cung cấp nhân tài với những kỹ năng cần thiết cho cuộc cách mạng 4.0, đi đầu trong công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Tiếp theo đó là doanh nghiệp cung cấp các bài toán và tình huống nghiệp vụ.
Cuối cùng, công ty khởi nghiệp, đối tác cung cấp công nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp những đột phá mới nhất cũng như năng lực triển khai theo phương thức linh hoạt (agile). Nhóm này cũng có cơ hội khai thác được nhiều lợi ích nhất nhờ những kiến thức có được để tham gia vào hệ sinh thái Công nghiệp 4.0.
Chẳng hạn như tại Trung tâm năng lực số (DCC) Singapore, cũng là một trong số 6 trung tâm McKinsey thành lập trên toàn thế giới, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo và sự kiện phát triển năng lực để đào tạo hơn 3.000 lãnh đạo từ các tổ chức lớn và công ty khởi nghiệp.
Như vậy, có thể nói trung tâm đổi mới đóng vai trò to lớn trong việc tập hợp những công nghệ có thể đem lại tác động hữu hình, giúp thúc đẩy khả năng áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp.
Theo một nghiên cứu của McKinsey thực hiện cùng Diễn đàn kinh tế thế giới về trung tâm sản xuất toàn cầu, chúng tôi đã rút ra được hai định hướng tăng trưởng có khả năng bổ trợ cho nhau: đổi mới hệ thống sản xuất và đổi mới chuỗi cung ứng toàn diện.
Đối với hướng đổi mới chuỗi cung ứng, như tại DCC Singapore, doanh nghiệp áp dụng các phương pháp như trang bị công nghệ số để phân tích các bộ dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ số vào dự báo lỗi thiết bị cần bảo trì, và xác định các phương thức nhằm kéo dài vòng đời thiết bị. Cả hai phương pháp này đều giúp giảm chi phí cũng như thời gian thực hiện, qua đó tăng năng suất.
Theo ý kiến của ông, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế số có gì khác với mô hình tăng trưởng truyền thống, dựa vào vốn, tài nguyên thiên nhiên và nhân công rẻ?
Một điều quan trọng và không thể thiếu để có thể thành công trong nền kinh tế số là khả năng thúc đẩy áp dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều kiện cần để làm được điều này đó là cải cách thể chế, tạo ra một môi trường hấp dẫn cho đầu tư vào không gian số.
Cụ thể, khối tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. Trong khi đó, khối nhà nước sẽ chịu trách nhiệm về cơ chế giáo dục, công cụ và biện pháp hỗ trợ để triển khai các giải pháp công nghiệp 4.0.
Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế số khá khác và phức tạp hơn so với những gì được áp dụng trong nền kinh tế truyền thống. Rõ ràng, vốn là một thành phần không thể thiếu để tăng trưởng. Song, điểm khác biệt là cách phân bổ vốn.
Trong nền kinh tế số, mỗi quốc gia sẽ không chỉ hài lòng với việc thu hút vốn cho bất kỳ ngành hay lĩnh vực kinh tế nào, mà cần hướng tới các hoạt động đổi mới sáng tạo và công nghiệp 4.0.
Còn đối với tăng trưởng nhờ tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công rẻ, giờ chỉ có ý nghĩa ngắn hạn. Rồi thì tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ cạn kiệt, và nhân công rẻ cũng sẽ không bền vững trong một nền kinh tế đang phát triển. Hầu hết các quốc gia giàu tài nguyên đều hiểu điều này rất rõ và đang đầu tư mạnh tay nhằm đa dạng hóa và đổi mới nền kinh tế.
Làm thế nào để Việt Nam có thể trở thành một trong những Trung tâm đổi mới và khởi nghiệp hàng đầu tại châu Á?
Tôi cho rằng Việt Nam cần tạo lập một mạng lưới đổi mới sáng tạo và chương trình khung để thúc đẩy chuyển đổi số.
Mọi công ty khởi nghiệp đều cần một môi trường cạnh tranh, mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng, tiếp cận với nhà đầu tư, và bí quyết để có thể tăng quy mô.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với doanh nghiệp lớn (cả tư nhân và nhà nước) cần có cơ chế giáo dục, tiếp cân với nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ (bao gồm hợp tác với công ty khởi nghiệp) để áp dụng các giải pháp công nghiệp 4.0.
Một khi được quản lý hiệu quả, Trung tâm đổi mới sẽ là tác nhân thúc đẩy tăng trưởng và đẩy nhanh đổi mới công nghệ. Đồng thời đây cũng là môi trường an toàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với doanh nghiệp lớn thí điểm áp dụng công nghệ mới.
Hợp tác giữa tất cả các thành phần là chìa khóa để đẩy nhanh lộ trình đổi mới sáng tạo của quốc gia cũng như cam kết số hóa nền kinh tế. Việt Nam cần bảo đảm các đơn vị thuộc khối nhà nước, doanh nghiệp lớn, công ty khởi nghiệp và viện nghiên cứu sẽ hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung.