Năm 2021, VN-Index đã thành công vượt mốc 1.200 điểm và hiện đang tiến sát mốc 1.500 điểm, mặc dù nền kinh tế trải qua 2 đợt bùng phát dịch liên tiếp. Đáng chú ý, sau các đợt giảm điểm khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước, thị trường thường bật tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng phục hồi kinh tế. Tính đến cuối tháng 11, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới.
Trong đó, Ngân hàng, Bất động sản, Nguyên vật liệu, Xây dựng cơ bản, Dịch vụ tài chính là những ngành dẫn dắt thị trường, lần lượt đóng góp 31%, 23%, 15%, 10%, và 8% vào mức tăng của VN-Index.
Thanh khoản thị trường liên tục thiết lập mức cao mới, với mức giá trị giao dịch khớp lệnh cao nhất trên 43 nghìn tỷ/ngày (vào ngày 19/11). Tính bình quân, giá trị giao dịch khớp lệnh hàng ngày tăng gấp 4 lần so với năm 2020 lên gần 20 nghìn tỷ/ngày. Theo thước đo thanh khoản của chúng tôi, hầu hết các ngành đều đang giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Khối ngoại duy trì chiến lược bán ròng trong năm 2021, với tổng giá trị bán ròng hơn 60 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD), gấp 3 lần so với mức bán ròng trong năm 2020.
Năm 2021, xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra khắp các thị trường khu vực châu Á, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia. Về giao dịch ETF, có gần 115 triệu USD vào ròng trong 11 tháng đầu năm, chủ yếu từ Fubon FTSE Vietnam ETF (+202 triệu USD).
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 tháng đầu năm, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng.
Sang năm 2022, ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phân tích – CTCK Mirae Asset Việt Nam (MAS) dự báo TTCK tiếp tục tăng trưởng, dù sẽ có nhiều rủi ro. Bởi, năm 2021 giãn cách xã hội nhiều nên 2022 doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng là bình thường, thậm chí phải bùng nổ tăng tối thiểu 50%.
Dù vậy, ông Minh cũng lưu ý về mức độ quay vòng của dòng tiền hiện nay, minh chứng qua những lần giảm mạnh và sau đó phục hồi nhanh chóng. "Ngày xưa khi rủi ro xảy ra thì cần 3 năm chỉ số mới có thể tìm lại đỉnh cũ. Tuy nhiên, năm 2021 chúng ta chỉ cần 3 tháng, tức dòng tiền đã tăng nhanh gấp 10 lần so với trước kia. Cho nên, nếu chúng ta không hành động kịp thời lại mất đi cơ hội", ông nói.
Liên quan đến rủi ro là dịch Covid-19, vị này nhận định thực tế dịch bệnh đang ngày càng ít ảnh hưởng đến chứng khoán, nên nếu TTCK có bị ảnh hưởng điều chỉnh thì chủ yếu đến từ những yếu tố khác. Khác với năm 2020, đúng là Covid-19 tác động rất mạnh đến chỉ số VN-Index nhưng nay thì gần như không còn nhiều ảnh hưởng.
Các sự kiện tiêu biểu trong 2020 và 2021
Nói thêm về động thái của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ vài năm trước họ ngại vào Việt Nam vì khi mua số lượng lớn, lúc muốn bán bán không được. Nhưng, 2 năm trở lại đây thanh khoản không còn là khúc mắc của TTCK nước ta. "Việt Nam đã chứng minh được thanh khoản so với khu vực, thậm chí tăng vượt Thái Lan. Riêng năm 2021 thanh khoản đạt kỷ lục. Có thể ví von ai lỡ bán vẫn có thể mua lại được, ai muốn mua thêm vẫn được, thanh khoản dồi dào là lợi thế", vị này nhấn mạnh.
Dù vậy, năm 2021 thì nhà đầu tư ngoại lại rút ròng mạnh, ước tính đâu đó 2,6 tỷ USD – tức chỉ bằng 1/10 so với mức độ rút ròng khỏi thị trường Hàn Quốc. Nên, câu chuyện này không phải do từ Việt Nam, mà là câu chuyện chung của toàn khu vực. Có lẽ, nhà đầu tư ngoại đang cần rút ra để tìm cơ hội mới lơn hơn, ví dụ Tesla - đại diện nhóm công nghệ tại Mỹ đang rất nóng thời gian qua.
Cũng cần nhìn nhận, tỷ trọng khối ngoại so với TTCK Việt Nam mặt khác đang ngày càng nhỏ, năm 2021 đã giảm hơn một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Do đó, cuộc chơi đang thuộc về nhà đầu tư nội.