Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, ngay cả những người đã tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm biến thể Delta. Quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch là Mỹ với trên 42,5 triệu ca mắc.
Tâm dịch lớn thứ 2 thế giới là Ấn Độ, tính đến ngày 16/9, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 33,38 triệu người mắc Covid-19. Brazil đứng thứ 3 về sự bùng nổ của dịch bệnh với trên 21 triệu người nhiễm Covid-19. Các khu vực phát triển như châu Âu, Nga… cũng đang là tâm dịch lớn thứ 4, 5 của thế giới.
Trước thực trạng này, mới đây, theo tờ Eatthis, chuyên gia về virus, Tiến sĩ Ashish Jha - Hiệu trưởng trường Y tế Công cộng, Đại học Brown (Mỹ) đã đưa ra 4 nhân tố chủ chốt kiểm soát đại dịch. Tiến sĩ Ashish Jha cho rằng, điểm mấu chốt giúp kiểm soát đại dịch, giảm sự lây lan của Covid-19 là 4 công cụ chính sau: tiêm chủng, xét nghiệm, đeo khẩu trang và cải thiện chất lượng không khí trong nhà qua hệ thống thông gió tốt hơn.
Theo Tiến sĩ, trong khi nhiều nơi, đặc biệt là ở các nước nghèo, chậm phát triển, còn đang khan hiếm vaccine, thì ở một số khu vực, quốc gia khác, không ít người dân đang từ chối việc được tiêm phòng. Do đó, tình trạng lây lan vẫn diễn ra mạnh ở các nước giàu, dù họ có lượng vaccine dồi dào.
Ông Jha khẳng định, vaccine hiện đang là công cụ mạnh mẽ nhất của ngành y tế để đẩy lùi dịch bệnh. Thế giới có thể cần tới 85 – 90% dân số có được miễn dịch với Covid-19. Khả năng này có được là nhờ tiêm chủng, hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh. Sau đó, miễn dịch cộng đồng mới có tác dụng làm giảm đáng kể sự lây lan của virus.
Hiện nay, nhiều nước tại châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để sớm khống chế dịch, và quay trở lại cuộc sống bình thường. Thậm chí, nhiều quốc gia còn ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng hoặc bắt buộc xét nghiệm thường xuyên.
Phân tích trên tờ New York Times, Tiến sĩ Aaron E. Carroll của Trường Y, Đại học Indiana, Mỹ, một chuyên gia nghiên cứu về các chính sách y tế cho biết, việc xét nghiệm trên diện rộng cũng cần phải tiến hành, ngay cả đối với những người không có triệu chứng, để đo lường được những tiến bộ của cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19. Nếu tất cả suôn sẻ, cuối cùng, chúng ta có thể tính tới việc loại bỏ các yêu cầu về khẩu trang.
Vậy, nếu làm tốt, đại dịch có thể kết thúc trong 6 tháng tới đây không?
Theo nhận định của Bloomberg, khác với những đại dịch trước đây, Covid-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới. Nhìn lại lịch sử, trong 130 năm qua, thế giới ghi nhận 5 đại dịch cúm, trong đó đợt lâu nhất kéo dài 5 năm. Covid-19 được xác định là đại dịch nghiêm trọng hơn khi thế giới đã bước sang năm thứ hai với làn sóng dịch bệnh thứ ba và vẫn chưa thấy hồi kết.
Tuy nhiên, chia sẻ với New York Times, đại diện WHO cho biết, nếu sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh được kiểm soát, và chỉ còn tồn tại ở 1 khu vực, chúng ta có thể tuyên bố rằng nó không còn là một đại dịch nữa mà chỉ là một bệnh dịch.