Tại Toạ đàm “Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam" vừa được Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt điện tử tổ chức mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng: Sản phẩm gỗ có tần suất xuất hiện tại các vụ kiện, điều tra càng ngày càng nhiều. Thường thì việc điều tra này có hai lý do.
Thứ nhất, gỗ là sản phẩm được các sản phẩm được khai thác từ rừng, tác động tới môi trường, do đó, càng ngày sản phẩm gỗ càng bị "nội soi". Thậm chí, chúng tôi vẫn hay nói đùa là gỗ bị "chụp CT cắt lớp".
Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gỗ thuộc tốp đầu xuất khẩu gỗ của thứ giới. Thị trường Hoa Kỳ chúng ta chiếm đến 57% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Hoài, xu hướng này không ngạc nhiên. Xuất khẩu nhiều thì sẽ có nhiều vụ kiện, phòng vệ thương mại nhiều hơn.
Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết: Chúng tôi cần rất nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của Cục PVTM – Bộ Công Thương và chúng ta đã vượt qua một số vụ kiện, điều tra, phòng vệ thương mại tạo ra tình thế với kết quả tốt.
“Đối với gỗ dán, cũng do thiếu năng lực phòng vệ thương mại, một số doanh nghiệp chưa chú trọng một cách đúng mực dẫn đến tình trạng "tình ngay lý gian". Trên thực thế, không có tình trạng né tránh thuế,... nhưng khai báo không nhất quán hoặc thấy khó rồi bỏ cuộc. Với gỗ dán, chúng ta đang có 37 doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen, chúng tôi cũng hy vọng qua các lần rà soát các doanh nghiệp sẽ được đưa ra khỏi danh sách đó. Vừa qua, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao chính trị giữa Việt Nam – Hoa Kỳ được nâng cao, nên Hoa Kỳ đã huỷ điều tra để áp chống lẩn tránh thuế với tủ bếp và bàn trang điểm của Việt Nam xuất khẩu tới Hoa Kỳ”, ông Hoài phân tích.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thị trường Hoà Kỳ là thị trường rất tiềm năng, trong đó có các doanh nghiệp là đối tác rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, rất có thể hợp tác lớn, xuất khẩu lớn sẽ nguy cơ xảy ra cạnh tranh về chống phá giá, phòng vệ thương mại giữa hai quốc gia, hai nền kinh tế.
Theo ông Hoài, doanh nghiệp gỗ cần phải gia tăng năng lực cạnh tranh của mình bởi có thể sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các doanh nghiệp ở các thị trường nội địa Hoa Kỳ và các quốc gia khác tới Hoa Kỳ.
Năng lực cạnh tranh đến từ các yếu tố, yêu cầu như sản xuất phải minh bạch, rõ nguồn gốc, đáp ứng các quy định của quốc gia. Đồng thời, chúng ta phải nâng cao chất lượng, tăng khả năng cung ứng sản phẩm tới thị trường, mẫu mã sản phẩm đẹp, giá cả hợp lý.