Thị trường Chứng khoán Việt nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Không chỉ tăng về mặt chỉ số, giá cổ phiếu, mà giá trị và khối lượng giao dịch đang ở mức kỷ lục với hàng trăm nghìn nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia thị trường.
Để có thể hiểu sâu hơn về những nguyên nhân, cũng như dự báo về xu hướng tiếp theo của thị trường, chúng tôi xin được giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Hồng Điệp – Chuyên gia tài chính, chứng khoán.
Những dấu ấn đặc biệt trong năm 2020
2020 là năm vô cùng đặc biệt cho TTCK Việt nam. Sau hàng trăm năm, thế giới chứng kiến một dịch bệnh mang tên Covid-19 với sự lây lan khủng khiếp trong phạm vi toàn cầu. Dước tác động của Covid-19, chứng khoán Mỹ cũng như thế giới, đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Không ngoại lệ, chứng khoán Việt Nam trong quí 1/2020 đã lao dốc mạnh. Chỉ số VN-Index mở cửa đầu năm 2020 ở mức quanh 960 điểm, đến ngày 31/3/2020 đã rơi về mức thấp kỷ lục 655 điểm, tương đương giảm hơn 30%. Không chỉ chứng khoán, giá dầu có thời điểm được giao dịch bằng con số âm. Trong thời điểm đó, tâm lý bi quan đến cùng cực bao phủ khắp thị trường. Có nhiều dự báo rất tiêu cực, thậm chí đưa ra quan điểm thị trường sẽ rơi vào suy thoái trong thời gian 3-5 năm.
Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy đến. Những chính sách, giải pháp đối phó được lãnh đạo Mỹ, cục dự trữ liên bang FED, cũng như chính phủ và NHNN Việt Nam đưa ra đã chặn được đà giảm của chứng khoán. Bắt đầu từ tháng 4/2020, TTCK đã có sự phục hồi mạnh mẽ chưa từng có. Chỉ trong 9 tháng, chỉ số VN-Index đã có sự tăng trưởng 70% so với đáy. Nhiều cổ phiếu đã tăng 200%, thậm chí 300% so với hồi đầu tháng 4/2020. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn tài khoản được mở mới. Thanh khoản thị trường liên tục được nâng lên. Thậm chí có phiên đã đạt khối lượng giao dịch khớp lệnh 800 triệu cổ phiếu, giá trị đạt con số kỷ lục 14.000 tỷ. Dù chưa kết thúc năm 2020, nhưng chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ đóng cửa ở 4 chữ số, vững vàng trên mốc 1.000 điểm.
Vậy đâu là những nguyên nhân làm lên điều thần kỳ này? Theo quan điểm của tôi, có 3 nguyên nhân chính yếu như sau:
Dòng tiền: Với chính sách của FED đưa lãi suất cơ bản tiệm cận 0, cùng với các gói cứu trợ và kích thích kinh tế đi kèm, thông điệp "bơm tiền" được lan tỏa khắp trên thế giới. Trong nước cũng áp dụng nhiều chính sách tương tự. Dòng tiền được bơm mạnh ra thị trường bằng nhiều cách khác nhau. TTCK luôn được hưởng lợi bởi yếu tố này.
Kênh đầu tư: Trong bối cảnh kinh tế phục hồi cần thời gian, tiền được bơm ra phải chảy vào những kênh đầu tư. Chứng khoán là kênh thu hút mạnh nhất, hấp dẫn nhất do có lợi thế về tính thanh khoản, lợi thế về sự ủng hộ của chính sách. Rất nhiều NĐT ưu tiên chọn lựa kênh đầu tư là chứng khoán, kể cả người mới cũng như người cũ.
Lực lượng NĐT mới: Không chỉ ở Việt nam, lực lượng NĐT mới, hay còn gọi là "F0" cũng xuất hiện ở nhiều nước. Đây là lớp NĐT mới, thổi làn gió tươi mát cho TTCK. Dù kiến thức về TTCK của họ có thể chưa nhiều, nhưng với kinh nghiệm đầu tư ở những lĩnh vực khác chuyển qua, với dòng tiền mạnh chưa từng thấy, đội "F0" này đã khuấy đảo và làm trụ nâng đỡ cho thị trường.
Chuyên gia tài chính, chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp
Những điều cần cảnh giác
Trong một chu kỳ tăng trưởng, xác suất thắng lợi của đám đông là rất cao. Nhưng khi thị trường rơi vào downtrend, chỉ có chưa đến 5% số người chiến thắng. Nếu hiện tại TTCK đang là cỗ máy in tiền cho tất cả, thì sẽ đến lúc nó sẽ trở thành chiếc máy nghiền, biến mọi thành quả trở thành hư không.
Trong tình hình hiện nay, có 6 điều theo tôi NĐT cần cảnh giác:
Lạm phát: Bản chất lạm phát đến từ 2 nguyên do chủ yếu là cung tiền và đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Hiện nay yếu tố cung tiền đang được đẩy lên, nhưng do nhu cầu về hàng hóa chưa cao (vì dịch bệnh cản trở thương mại), nên việc đáp ứng vẫn đang được trơn tru. Nhưng nếu một khi vacxin phát huy tác dụng, Covid bị khống chế hoàn toàn, rất có thể câu chuyện sẽ khác. Lạm phát có thể sẽ trở thành vấn đề vào cuối năm 2021.
Hút tiền về: Liên quan đến lạm phát, sẽ đến lúc các NHTW sẽ hút tiền về bằng các công cụ khác nhau. Lãi suất sẽ tăng trở lại, TTCK đang quen với cảnh được "nuông chiều" bởi dòng tiền rẻ, sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt, mất đi sự nâng đỡ.
Nội tại nền kinh tế và doanh nghiệp: Nếu định nghĩa "chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế" thì giai đoạn này không phù hợp. Kinh tế Việt nam cũng như thế giới, đang và sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sự phục hồi không thể "một sớm một chiều". Nhiều doanh nghiệp sẽ có KQKD chưa tương xứng so với sự tăng trưởng của giá cổ phiếu. Sẽ đến lúc P/E sẽ quá cao so với khu vực, cổ phiếu sẽ trở nên "đắt".
Chính trị xã hội: Không chỉ những rắc rối xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn chưa chấm dứt, mà trong năm 2021 Việt Nam cũng có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Tất nhiên hầu hết đều là những điều tốt đẹp, nhưng vẫn có thể có những thay đổi nhất định về chính sách, điều này có thể sẽ tác động tâm lý vào TTCK và việc phòng bị là cần thiết. Ngoài ra, việc Mỹ đưa Việt nam vào danh sách "thao túng tiền tệ" nếu không xử lý được, sẽ gây cho đất nước chúng ta những bất lợi về mặt thuế quan và thương mại quốc tế.
Kênh đầu tư: Nếu việc bơm tiền kéo quá dài, sẽ xuất hiện tâm lý "chán chứng khoán". Việc TTCK chỉ dựa vào "bầu sữa dòng tiền rẻ", mà không phát triển căn cơ và bền vững, sẽ gây những hệ lụy lâu dài. Rất có thể dòng tiền sẽ đi tìm những kênh đầu tư khác như BĐS, SXKD, thậm chí vàng, bitcoin,…
Hạ tầng giao dịch chứng khoán: Có một định luật trong chứng khoán luôn đúng "Lượng đi trước giá". Việc thanh khoản đi lên là điều đáng mừng, nhưng "tốt quá cũng không nên". Muốn VN-Index tăng lên 1.500, 1.800 điểm, muốn thị trường được nâng hạng thì việc nâng cấp hệ thống và hạ tầng giao dịch là cấp thiết. Rủi ro trong đầu tư luôn hiện hữu nếu sự quá tải là thường xuyên.
Như vậy, dù bất cứ hoàn cảnh nào, sự hưng phấn cũng luôn nên được kiềm chế. Luôn nhìn nhận và phân tích các dấu hiệu, để có thể quản trị rủi ro một cách tốt nhất.
VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm ngay trong quý 1/2021
Chúng ta đang được sống trong "kỷ nguyên bơm tiền". Với những thông điệp mới nhất được đưa ra, chúng ta tin rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể tiếp tục hạ hơn nữa. Nền kinh tế, doanh nghiệp đang thực sự cần những điều này. Cho dù để có thể trở lại như trước dịch cần nhiều nỗ lực hoặc may mắn, nhưng chí ít chúng ta cũng hy vọng mọi thứ xấu nhất cũng đã qua đi. Nền kinh tế sẽ phục hồi, chậm hay nhanh phụ thuộc vào điều kiện khách quan cũng như ý chí của doanh nghiệp. Một khi nền kinh tế phục hồi thì TTCK rơi vào khủng hoảng như đầu năm 2020 gần như là không thể.
Theo quan điểm cá nhân, xu hướng chủ đạo trong 6 tháng đầu năm 2021 của CK Việt nam là đi lên. Có 4 lý do để chúng ta đặt niềm tin vào điều này:
Lãi suất thấp: Điều đầu tiên vẫn lại là yếu tố dòng tiền rẻ. Chính sách trong 6 tháng tới chưa có sự thay đổi, dòng tiền vẫn chưa "bẻ lái", không rút ra, tập trung tìm kiếm cơ hội, xoay vòng giữa các dòng trong thị trường.
Ổn định vĩ mô: Dù có bị dán nhãn mác gì, nhưng về cơ bản Việt Nam có sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội rất cao. Đây là điểm đến, thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn, nhiều công xưởng hay Quỹ đầu tư. Việc Apple chuyển nhà máy qua Việt nam là bước mở đầu khẳng định xu hướng này.
Nâng hạng TTCK: Dù chưa đạt được kết quả mau chóng, nhưng lòng mong mỏi và ý chí của những nhà quản lý là rất rõ ràng. Đó là mục tiêu, là kỳ vọng không chỉ của lớp NĐT nội, mà có thể tác động đến hành vi của khối ngoại. Thông thường họ hay mua trước khi sự việc diễn ra. Nếu giả định năm 2023 Việt nam chính thức được nâng hạng, thì khối ngoại có thể sẽ quay trở lại mua ròng từ năm 2021.
Chứng khoán lan tỏa: Hiện nay Việt Nam có khoảng 2% dân số tham gia vào TTCK. Con số này dù đã tăng lên nhiều, nhưng nếu so với 10% của Thái lan, 15% của Hàn quốc, thì vẫn còn quá nhiều dư địa tăng trưởng. Không chỉ tăng về lượng, thị trường cũng đang chứng kiến sự trưởng thành về chất của nhiều lớp NĐT. Học thuật đích thực đang được tôn vinh.
Với những niềm tin vào TTCK, với cảm nhận của nhiều năm kinh nghiệm, tôi có dự cảm TTCK Việt Nam đang ở trong một cơn sóng thần vĩ đại. Nhớ lại các đợt "uptrend" trước đây, lần này khác hoàn toàn. Nếu đợt đầu tiên hồi những năm 2000, sóng lên bởi sự khan hiếm hàng hóa niêm yết, không cho NĐT có sự chọn lựa khác. Còn đợt sóng thần năm 2006-2007 thì là cơn sóng của Hội nhập quốc tế, của cổ phần hóa. Cơn sóng thần thứ ba năm 2009 lại đến từ việc giới thiệu những dòng cổ phiếu mới, đa phần là penny. Cơn sóng gần nhất hồi 2018 là sự khẳng định hình ảnh và tên tuổi của Việt nam trong mắt NĐT quốc tế.
Chứng khoán ngày càng phức tạp hơn, nhiều biến số và khó đoán định hơn, nên việc dự báo quá dài sẽ trở nên không chính xác, thậm chí không cần thiết. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn, từ 3-6 tháng, tôi nghiêng theo quan điểm TTCK sẽ đi lên. Có thể từng giai đoạn vẫn xảy ra rung lắc hay điều chỉnh, nhưng xu thế chủ đạo là tăng. Xét nhiều yếu tố, tôi dự báo VN-Index sẽ đạt 1.200 trước Tết nguyên đán, hoặc trong quý 1/2021. Tiếp theo đó, VN-Index sẽ vươn lên ở những điểm số cao hơn. Nhưng rất có thể, nửa năm sau sẽ cần phải thận trọng và xem xét tiếp các yếu tố vĩ mô và thị trường.