Một trong những động lực thôi thúc chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng trở về đóng góp cho quê hương là sau lần gặp và được trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Được du học và đào tạo bài bản tại Cộng hòa Liên bang Đức trước năm 1975, sở hữu trên 20 bằng phát minh về ô tô và công nghệ chế tạo máy cùng một công việc và thu nhập đáng mơ ước, thạc sỹ Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức) quyết định trở về Việt Nam, để lại đất khách người vợ trẻ và đứa con trai chưa thành niên…
Ông Nguyễn Minh Đồng (thứ 2 từ trái qua) cùng các trí thức kiều bào dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Một trong những động lực thôi thúc chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng trở về đóng góp cho quê hương là sau lần gặp và được trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Bộ sưu tập đáng nể
Với tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có tâm, có tầm và có một nền tảng kiến thức rất uyên thâm; đặc biệt là đức tính kiên trì, nhẫn nại, biết lắng nghe”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng |
Chiều cuối năm, chúng tôi gặp Thạc sỹ Nguyễn Minh Đồng bên hành lang hội nghị Kiều bào góp ý về chuyển đổi kinh tế số diễn ra vào cuối năm. Ông Đồng là một trong những trí thức Việt kiều được lãnh đạo TPHCM thường xuyên mời tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế để góp ý xây dựng thành phố. Sắp bước sang tuổi 70, vị chuyên gia về ô tô và công nghệ chế tạo máy vẫn tràn đầy nhiệt huyết...
Bên tách trà nóng, nói về các phát minh, sáng chế được cả thế giới công nhận và mua bản quyền, ông Đồng tếu táo: Hầu hết xuất phát từ sự… lười biếng. Siêng năng thì con người phát minh ra máy hút bụi, xe máy, ô tô làm gì? Mình cứ tự quét dọn, đi thang bộ cho xong, đâu cần thang máy. Vì lười nhưng muốn phục vụ tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu cao hơn nên mới phát minh, sáng chế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao”.
Ông Nguyễn Minh Đồng |
Ông Đồng sở hữu hơn 20 bằng phát minh, sáng chế, trong đó có nhiều phát minh đã được các hãng ô tô hàng đầu thế giới mua bản quyền. Ông nói sở hữu bằng phát minh không khó. Cái khó là có được thị trường và xã hội chấp nhận vì mục tiêu là phải đem lại lợi ích thiết thực. Như hệ thống tự động hút hơi xăng vào máy ông phát minh hơn 20 năm trước. Xăng khi chứa trong bình sẽ tự bay hơi. Lắp hệ thống này vào động cơ, hơi xăng sẽ được lưu trữ trong bộ phận chứa than hoạt tính. Khi khởi động máy, hệ thống sẽ tự động hút hơi xăng vào buồng đốt, không để thoát ra ngoài. Nếu không có hệ thống này, chỉ tính riêng ở Đức mỗi năm sẽ có khoảng 300 nghìn đến 400 nghìn tấn xăng thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều phát minh của ông ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng như hệ thống xúc tác biến đổi khí thải động cơ, chuyển đổi khí độc CO sinh ra trong quá trình đốt nhiên liệu thành khí CO2. Khí CO2 tuy gây ra hiện tượng khí nhà kính nhưng ban đêm được cây xanh hấp thụ, không gây hại cho sức khỏe như khí CO. Ông còn tự mày mò, chế tạo ra buồng đốt của động cơ turbo giúp nhiên liệu cháy triệt để, tạo năng lượng nhiều hơn nhằm nâng hiệu suất hoạt động của máy, đồng thời giảm khí phát thải ra bên ngoài.
“Với động cơ turbo, khí CO thải ra thấp hơn so với động cơ thường nhưng khí NOx sinh ra lại tăng vì nhiên liệu đốt ở nhiệt độ cao. Hệ thống hút khí vào cũng quan trọng, phải thiết kế thế nào để khi hút không tạo tiếng ồn…”, ông Đồng nói và cho biết đã đưa công nghệ cân bằng động về Việt Nam giúp các doanh nghiệp sản xuất quạt điện trong nước khắc phục tình trạng cánh quạt rung lắc và gây tiếng ồn. Ông còn ứng dụng công nghệ xử lý nước thải bằng cây sậy của các chuyên gia Đức để xử lý nước thải của bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước).
Cuộc gặp thay đổi cuộc đời…
Ông Nguyễn Minh Đồng quê ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) là cựu học sinh trường Trung học Cường Để (TP Quy Nhơn), một trong những ngôi trường danh tiếng ở miền Nam. Cuối năm 1970, thi đỗ tú tài toàn phần, ông Đồng được học bổng sang cộng hòa Liên bang Đức du học. Ông đăng ký học nhiều chuyên ngành, từ tâm lý học, quản trị kinh doanh sau đó bén duyên với ngành ô tô và công nghệ chế tạo máy. Sau khi lấy bằng thạc sỹ, ông được hãng xe hơi Volkswagen (Đức) tuyển dụng. Làm việc cho một hãng xe hơi danh tiếng, thu nhập của ông là mơ ước của nhiều người, kể cả người Đức lúc bấy giờ. Đổi lại, các phát minh, sáng chế của ông hãng Volkswagen giữ bản quyền.
Sống và làm việc ở đất khách quê người, trong sâu thẳm trái tim, ông Đồng ý thức mình là người Việt và luôn khao khát được một lần trở về dòng sông tuổi thơ tắm gội, bơi lội thỏa thích như cái thuở xa nhà đi trọ học. Đầu những năm 1980, tình hình đất nước vô cùng khó khăn. Qua một số trí thức kiều bào cùng chí hướng, ông tìm cơ hội hồi hương nhưng không thành.
Không bỏ cuộc, ông Nguyễn Minh Đồng xin thôi việc ở Volkswagen và chuyển sang nghề tư vấn. Ông làm việc cho Chương trình kế hoạch hóa gia đình của Chính phủ Đức, sau đó nhận lời làm Trưởng Đại diện cho một công ty Dược hàng đầu của Đức để được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều để có thêm cơ hội trở về nước.
Ông Nguyễn Minh Đồng tư vấn cho bệnh viện Nhân Ái lắp đặt hệ thống xử lý nước thải y tế bằng sậy |
Trong một bữa tiệc chiêu đãi của Chính phủ Việt Nam với các chuyên gia Việt kiều, ông Đồng may mắn được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông xúc động: Tôi hỏi Thủ tướng, tình yêu quê hương, Tổ quốc chỉ dành riêng cho những người Việt đang sinh sống ở Việt Nam hay người Việt Nam bất cứ ở đâu cũng có thể yêu quê hương, yêu Tổ quốc mình? Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ câu trả lời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nói tình yêu không có giới hạn địa lý, không gian và thời gian. Bất kỳ ở đâu, làm gì, người Việt Nam cũng có thể yêu và thể hiện tình yêu đối với quê hương, Tổ quốc mình. Suốt bữa ăn, Thủ tướng đã trò chuyện và động viên tôi rất nhiều. Với tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, có tâm, có tầm và có một nền tảng kiến thức rất uyên thâm; đặc biệt là đức tính kiên trì, nhẫn nại, biết lắng nghe”.
Được Thủ tướng động viên, ông Nguyễn Minh Đồng càng tự tin hơn với con đường đã chọn. Ông đưa một số thiết bị y khoa hiện đại từ Đức về tặng khoa Mắt của bệnh viện Chợ Rẫy và tư vấn cho bệnh viện xử lý vệ sinh, tiệt trùng. Đất nước vừa mở cửa, tình hình kinh tế còn rất khó khăn, thấy nhiều bệnh viện thiếu thốn cơ sở vật chất, ông cùng một trí thức kiều bào thành lập “Hội giúp đỡ y khoa cho Việt Nam”. Hội đi xin các trang thiết bị y tế cũ, chất lượng còn tốt của các bệnh viện ở Đức rồi giao cho nhà sản xuất tân trang lại trước khi đưa về Việt Nam trao tặng cho các bệnh viện. Ông còn mạnh dạn đề xuất Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số chính sách quản lý đất đai nhằm cải thiện đời sống và khuyến khích nông dân gắn bó với đồng ruộng.
“Nhà nước cần có chính sách thu mua nông sản trên mức giá hòa vốn để người nông dân không nghèo đi, không bỏ nghề, đổ dồn về các đô thị kiếm việc làm. Phải bằng mọi cách giữ chân người nông dân ở nông thôn để đảm bảo an ninh lương thực”. |
(Theo Tiền Phong)